Cách mạng nông nghiệp (Agricultural Revolution) là gì? Các nội dung về Cách mạng nông nghiệp
Hình minh họa (Nguồn: vnua.edu.vn)
Cách mạng nông nghiệp
Khái niệm
Cách mạng nông nghiệp trong tiếng Anh là Agricultural revolution.
Cách mạng nông nghiệp là thời kì sản lượng nông nghiệp gia tăng mạnh mẽ do có những tiến bộ trong tổ chức và kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Các cuộc cách mạng nông nghiệp luôn luôn đi kèm với những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực khoa học - kĩ thuật, đặc biệt những thành tựu của công nghệ sinh học, như việc tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao.
Sự gia tăng năng suất trong nông nghiệp tạo ra khối lượng nông sản ngày càng lớn để cung cấp cho xuất khẩu và các thành phố, cũng như giải phóng lao động nông nghiệp và chuyển họ tới các khu vực công nghiệp. Vì vậy, có mối liên hệ tương quan chặt chẽ giữa cuộc cách mạng nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá. Sự phát triển cân đối giữa hai ngành công nghiệp và nông nghiệp có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với quá trình phát triển và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Các nội dung về Cách mạng nông nghiệp
Các cuộc Cách mạng nông nghiệp
Theo Hiệp hội Máy Nông nghiệp châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017), đã phân tích quá trình phát triển nông nghiệp trên thế giới đến nay cũng như quá trình phát triển các cuộc cách mạng công nghiệp.
Nông nghiệp 1.0 xuất hiện mạnh vào khoảng năm 1910, ở giai đoạn này chủ yếu dựa vào sức lao động và phụ thuộc thiên nhiên do đó năng suất lao động thấp, qui mô sản xuất nhỏ lẻ, quá trình trao đổi thương mại chưa sôi động, chủ yếu tự cung, tự cấp nông sản giữa các quốc gia.
Nông nghiệp 2.0, đó là Cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, mà điển hình là Ấn Độ sử dụng các giống lúa mì lùn cải tiến; giai đoạn mà canh tác kết hợp sử dụng hóa học hóa trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; cơ khí phục vụ nông nghiệp phát triển, máy cày làm đất và máy móc phục vụ công nghệ sau thu hoạch, quá trình trao đổi nông sản toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, từng bước hình thành rõ phân vùng nông nghiệp thế giới.
Nông nghiệp 3.0 diễn ra vào khoảng năm 1990 đã tạo bước đột phá về công nghệ nhờ áp dụng các thành tựu khoa học về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, thiết bị định vị toàn cầu (GPS),... từ đó đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; căn cứ vào lợi thế so sánh các quốc gia đã chủ động tham gia chuỗi nông sản toàn cầu; đây là giai đoạn xuất hiện nhanh và nhiều công ty đa quốc gia kinh doanh về nông nghiệp.
Nông nghiệp 4.0, sự phát triển diễn ra đồng thời với phát triển của thế giới về công nghiệp 4.0 là giai đoạn ứng dụng mạnh mẽ các thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh... Thuật ngữ nông nghiệp 4.0 được phân tích và sử dụng đầu tiên tại Đức vào năm 2011.
Cách mạng nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam
+ Lần đầu tiên, VNG - một startup công nghệ Việt - đã niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (30/05/2017) tại Mỹ. Đây là cột mốc quan trọng tiến vào Cách mạng Công nghiệp của doanh nghiệp Việt.
+ Về công nghệ, SmartChick là sản phẩm phục vụ nuôi gà thông minh, giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng qui trình an toàn sinh học. Người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể thu được những con gà chất lượng nhất sau thời gian nuôi.
+ Vinamilk đầu tư công nghệ cao vào nhiều trang trại bò sữa (2016). Hiện vinamilk đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần sữa trong nước: khoảng 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột trẻ em. Toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng khép kín, tự động hóa theo tiêu chuẩn GlobalGAP với giống bò được tuyển chọn kĩ lưỡng đem đến năng suất sữa cao nhất.
+ VinEco thuộc tập đoàn VinGroup, tham gia thị trường từ tháng 3/2015, đã nhanh chóng trở thành thương hiệu rau an toàn được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng. VinEco có khả năng triển khai sản xuất nông nghiệp trên qui mô lớn và áp dụng các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển như Nhật Bản và Israel, nhằm tối ưu hóa hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Việt Nam bước đầu phát triển nền nông nghiệp 4.0 với những thuận lợi sau: Đến năm 2016, Việt Nam có 53% dân số tiếp cận được internet, công nghệ số, nhất là công nghệ internet vạn vật được phát triển khá nhanh, tạo điều kiện và mở ra các cơ hội khởi nghiệp và ra đời các sản phẩm mới và dịch vụ mới; Chính phủ và các địa phương thể hiện quyết tâm chính trị cao thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, trong một số ngành và lĩnh vực đã bước đầu ứng dụng có hiệu quả công nghệ của nông nghiệp 4.0...
(Tài liệu tham khảo: vaas.org.vn)