|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu (Equity Financing) là gì? Các lưu ý về tài trợ bằng vốn chủ sở hữu

10:06 | 16/09/2019
Chia sẻ
Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu (tiếng Anh: Equity Financing) được sử dụng khi các công ty có nhu cầu vốn ngắn hạn hoặc dài hạn. Một công ty thường sử dụng tài trợ bằng vốn chủ sở hữu vài lần trước khi đến được giai đoạn trưởng thành.
equity-financing

Hình minh họa. Nguồn: wallstreetmojo.com

Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu

Khái niệm

Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu trong tiếng Anh là Equity Financing.

Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu là quá trình huy động vốn thông qua việc bán cổ phần. Các công ty huy động tiền có thể vì họ có nhu cầu ngắn hạn để thanh toán hóa đơn hoặc có mục tiêu dài hạn và cần tiền để đầu tư cho tăng trưởng. Với việc bán cổ phần, họ bán quyền sở hữu trong công ty của mình để đổi lấy tiền mặt giống như tài trợ bằng chứng khoán.

Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu đến từ nhiều nguồn, ví dụ từ bạn bè và gia đình của một doanh nhân, các nhà đầu tư hoặc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Các công ty công nghệ khổng lồ như Google và Facebook đã huy động hàng tỉ USD thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Dù thuật ngữ tài trợ bằng vốn chủ sở hữu chỉ việc tài trợ vốn cho các công ty đại chúng được niêm yết trên sàn giao dịch, thuật ngữ này cũng áp dụng cho tài trợ vốn của công ty tư nhân.

Các phương thức tài trợ bằng vốn chủ sở hữu

Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu đề cập đến việc bán cổ phiếu phổ thông và bán các công cụ tài chính khác như cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi, cổ phiếu phát hành kèm chứng quyền.

Một công ty khởi nghiệp (startup) trở thành một công ty thành công sẽ có nhiều vòng tài trợ vốn chủ sở hữu trong các giai đoạn phát triển. Vì một startup thường thu hút các loại nhà đầu tư khác nhau trong các giai đoạn phát triển nên startup có thể sử dụng nhiều công cụ vốn để đáp ứng nhu cầu tài trợ vốn.

Các lưu ý về tài trợ bằng vốn chủ sở hữu

Qui trình tài trợ bằng vốn chủ sở hữu phải tuân theo các qui định quản lí. Các qui định này được thiết kế để bảo vệ các nhà đầu tư công chúng khỏi những doanh nhân vô đạo đức, những kẻ có thể huy động vốn rồi biến mất với số tiền thu được.

Do đó, tài trợ vốn chủ sở hữu thường đi kèm với một biên bản ghi nhớ chào bán hoặc báo bạch, trong đó có ghi các thông tin chi tiết giúp nhà đầu tư có căn cứ trước khi đưa ra quyết định đầu tư. 

Biên bản ghi nhớ hoặc bản cáo bạch sẽ nêu rõ các hoạt động của công ty, thông tin về các cán bộ và giám đốc, cách thức sử dụng tiền tài trợ, các yếu tố rủi ro và báo cáo tài chính.

Mức độ sẵn lòng của nhà đầu tư cho tài trợ vốn chủ sở hữu phụ thuộc đáng kể vào trạng thái của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. 

Dù một tốc độ ổn định của các đợt tài trợ bằng vốn chủ sở hữu là dấu hiệu thể hiện niềm tin của nhà đầu tư, các đợt tài trợ vốn liên tục có thể cho thấy sự lạc quan quá mức và mức giá đạt đỉnh. 

Ví dụ, các đợt chào bán lần đầu ra công chúng của các công ty Dotcom và các công ty công nghệ đã đạt mức kỉ lục vào cuối những năm 1990, trước khi sự sụp đổ của chúng nhấn chìm sàn Nasdaq từ năm 2000 đến 2002. 

Tốc độ của các cuộc tài trợ bằng vốn chủ sở hữu thường giảm mạnh sau các đợt điều chỉnh thị trường kéo dài do tâm lí ngại rủi ro của nhà đầu tư.

(Theo investopedia.com)

Hằng Hà