|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài trợ (Financing) là gì? Vai trò của tài trợ

17:12 | 05/09/2019
Chia sẻ
Tài trợ (tiếng Anh: Financing) là hoạt động cung cấp các nguồn lực vật chất và tài chính của một tổ chức cho một hoạt động độc lập để đổi lấy các lợi ích mà họ mong muốn sẽ nhận được từ chính các hoạt động đó.
1*_ZtJSKLJ0XCbHxCVns6Img

Hình minh họa. Nguồn: cosvimconfidi.it

Tài trợ (Financing)

Định nghĩa

Tài trợ trong tiếng Anh gọi là Financing. Tài trợ là hoạt động cung cấp các nguồn lực vật chất và tài chính của một tổ chức cho một hoạt động độc lập để đổi lấy các lợi ích mà họ mong muốn sẽ nhận được từ chính các hoạt động đó.

Hoạt động tài trợ chính là sự phát triển của hình thức bảo trợ trước đây (thường là do giới thượng lưu bảo trợ cho giới nghệ thuật nói chung). Tuy nhiên hoạt động tài trợ ngày nay diễn ra thường xuyên hơn và nhằm tạo ra lợi ích cho cả hai phía, không giới hạn với một người.

Vai trò của hoạt động tài trợ

- Giúp cho công chúng làm quen với các sản phẩm mới của công ty, hình ảnh và tên tuổi, thương hiệu của một tổ chức.

- Xây dựng và tăng cường sự hiểu biết về công ty, tình cảm của công chúng với hoạt động của tổ chức, thu hút các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Tài trợ thể hiện thiện chí của tổ chức và công ty đối với các hoạt động mang tính xã hội.

- Tạo ra hiệu ứng tích cực của công chúng và người tiêu dùng, nhất là khách hàng mục tiêu thông qua các chương trình mà công ty tài trợ.

Ví dụ: Bia Heneiken tài trợ cho bóng chuyền bãi biển; P/S tài trợ cho phẫu thuật nụ cười, Honda tài trợ cho chương trình Tôi yêu Việt Nam.

- Hoạt động tài trợ giúp nâng cao sự yêu mến của các đối tượng khách hàng mục tiêu, do đó sẽ giành được sự tôn trọng và ủng hộ hơn các đối thủ cạnh tranh khác.

Những hình thức tài trợ chủ yếu

(1) Tài trợ cho các hoạt động thể thao

- Thể thao là lĩnh vực nhận được sự tài trợ nhiều nhất hiện nay, do khả năng thu hút công chúng và sự hấp dẫn của hoạt động thể thao mang lại.

- Các công ty tài trợ cho thể thao có thể tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật (dụng cụ thi đấu, trang phục thi đấu).

(2) Tài trợ cho các sự kiện văn hóa

- Tài trợ cho xuất bản sách (kỉ lục Guiness, bách khoa toàn thư...)

- Tài trợ cho các chương trình âm nhạc và nghệ thuật

- Tài trợ cho các hoạt động triển lãm và hội chợ

(3) Tài trợ cho các hội nghị chuyên đề, các hội thảo khoa học

Dạng tài trợ này thu hút được sự quan tâm của giới chuyên môn và khách hàng mục tiêu. Các lĩnh vực như dược phẩm, y tế, dịch vụ tài chính... thường sử dụng hình thức tài trợ này.

(4) Tài trợ cho các hoạt động mang tính nhân đạo

Công ty tài trợ cho các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng (phẫu thuật nụ cười, trái tim cho em, hiến máu nhân đạo...)

(5) Tài trợ cho các hoạt động giáo dục và đào tạo

- Tài trợ trang thiết bị điều kiện dạy và học cho nhà trường (phòng thí nghiệm, bàn ghế, máy tính, thư viện...)

- Tài trợ bằng việc trao học bổng cho các học sinh, sinh viên xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học.

(6) Tài trợ cho các sự kiện ở địa phương và các dịch vụ công

- Những công ty hoạt động trên toàn quốc có trụ sở chính và chi nhánh tại các địa phương có thể tài trợ cho các sự kiện diễn ra ở địa phương như các lễ hội, sự kiện thể thao văn hóa.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quan hệ công chúng, NXB Tài chính)

Minh Lan