Biểu đồ kiểm soát (Control chart) là gì? Ý nghĩa và cấu tạo biểu đồ kiểm soát
Hình minh hoạ
Biểu đồ kiểm soát (Control chart)
Định nghĩa
Biểu đồ kiểm soát trong tiếng Anh là Control chart. Biểu đồ kiểm soát là sự kết hợp giữa đồ thị và các đường kiểm soát.
Biểu đồ kiểm soát là công cụ để phân biệt các biến động do các nguyên nhân đặc biệt cần được nhận biết, điều tra và kiểm soát gây ra với những thay đổi ngẫu nhiên vốn có của quá trình.
Ý nghĩa
Biểu đồ kiểm soát giúp ta loại bỏ các biến thiên bất thường nhờ phân tích các nguyên nhân xác định được ra khỏi các nguyên nhân ngẫu nhiên.
Cấu tạo biểu đồ kiểm soát
- Một biểu đồ kiểm soát gồm có đường trung bình, giới hạn trên, giới hạn dưới và các giá trị đặc tính ghi trên biểu đồ biểu thị trạng thái của quá trình.
- Nếu mọi giá trị đo đều nằm bên trong hai đường giới hạn trên và dưới không có khuynh hướng đặc biệt gì thì quá trình được coi như ở trạng thái kiểm soát được.
- Nhưng nếu chúng vượt ra khỏi các giới hạn kiểm soát hoặc có dạng không bình thường thì quá trình bị coi là vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tác dụng
- Dự đoán, đánh giá sự ổn định của quá trình
- Kiểm soát, xác định khi nào cần điều chỉnh quá trình
- Xác định sự cải tiến của một quá trình
Nhận xét
- Mục đích chung nhất của biểu đồ kiểm soát là phát hiện những biến động của quá trình để đảm bảo chắc chắn rằng quá trình được kiểm soát, được chấp nhận hay không kiểm soát được, từ đó tìm ra nguyên nhân để loại bỏ.
Các dạng biểu đồ kiểm soát
- Có nhiều loại biểu đồ kiểm soát khác nhau. Cụ thể:
+ Có loại biểu đồ chỉ cho phép theo dõi sự ổn định hay được kiểm soát của quá trình.
+ Có loại cho phép phát hiện được những biến động của quá trình vượt ra ngoài mức tiêu chuẩn.
- Căn cứ vào đặc điểm của dữ liệu có biểu đồ kiểm soát định lượng và định tính.
+ Biểu đồ định lượng biểu hiện các giá trị liên tục tức là những số liệu có thể đo lường được.
+ Biểu đồ định tính dùng để biểu hiện các đặc tính chất lượng có giá trị rời rạc, tức là các giá trị không đo được mà có thể đếm được (như tỉ lệ phần trăm phế phẩm, số khuyết tật).
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính)