Biểu đồ phân tán (Scatter diagram) là gì? Các bước lập biểu đồ phân tán
Hình minh hoạ
Biểu đồ phân tán (Scatter diagram)
Định nghĩa
Biểu đồ phân tán trong tiếng Anh là Scatter diagram. Biểu đồ phân tán thực chất là một đồ thị biểu hiện mối tương quan giữa nguyên nhân và kết quả hoặc giữa các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng.
Nhận xét
- Một chỉ tiêu chất lượng được tạo ra nhờ sự kết hợp và tác động của nhiều yếu tố. Giữa chất lượng và các yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ.
- Để đánh giá tình hình chất lượng người ta có thể dùng hai hoặc nhiều dữ liệu cùng một lúc thể hiện mối tương quan giữa các yếu tố trên đồ thị.
- Thông qua đó có thể xác định được khuynh hướng tác động của nguyên nhân đang xem xét tới kết quả cụ thể đạt được.
Các bước cơ bản lập biểu đồ phân tán
Biểu đồ phân tán được lập theo các bước cơ bản sau:
1. Thu thập dữ liệu về các cặp biến số. Số các cặp biến số phải từ 30 trở lên.
2. Vẽ đồ thị với trục tung là một biến số và trục hoành là kết quả hoặc biến số số thứ hai.
3. Xác định vị trí của các dữ liệu trên đồ thị bằng các điểm thể hiện mối tương quan giữa hai biến số.
Trường hợp có các điểm trùng nhau dùng các kí hiệu riêng để phân biệt.
4. Nhận xét mức độ liên quan giữa hai biến số theo hệ số tương quan.
Biểu đồ phân tán cho thấy sự phân bố của một tập hợp các dữ liệu thể hiện mức độ và tính chất của mối quan hệ giữa hai biến số chất lượng và nguyên nhân. Mối tương quan này thể hiển dưới các dạng sau:
- Tương quan dương: Là mối tương quan trong đó sự gia tăng của biến số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của biến số kết quả.
Ví dụ: Như mối tương quan giữa kích thước và trọng lượng của vật gia công.
Nguồn: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính
- Tương quan âm: Là mối tương quan trong đó sự gia tăng của biến số nguyên nhân sẽ làm giảm kết quả.
Ví dụ: Tương quan giữa nhiệt độ sấy và thời gian sấy hoặc nhiệt độ và độ cứng của cao su.
Nguồn: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính
- Không có tương quan: Giữa hai biến số không có mối tương quan nào với nhau. Trường hợp này cho thấy vấn đề chất lượng do các nguyên nhân khác gây ra.
Nguồn: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính)