|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Bảo trợ xã hội (Social protection) là gì? Vai trò

15:05 | 04/12/2019
Chia sẻ
Bảo trợ xã hội (tiếng Anh: Social protection) là những biện pháp công cộng nhằm giúp các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng ứng phó với và kiềm chế được nguy cơ có tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh thu nhập.
Umbrella%20%28004%29

Hình minh hoạ (Nguồn: unescap)

Bảo trợ xã hội

Khái niệm

Bảo trợ xã hội trong tiếng Anh được gọi là Social protection.

- Ngân hàng Thế giới (WB)

Bảo trợ xã hội là những biện pháp công cộng nhằm giúp các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng ứng phó với và kiềm chế được nguy cơ có tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh thu nhập.

Nhấn mạnh sự kiềm chế nguy cơ, bảo trợ xã hội vừa là mạng lưới an toàn, vừa là cơ sở để phát triển vốn con người.

- Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

Bảo trợ xã hội là việc cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế nhà nước hoặc tập thể, cộng đồng nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp.

Nhấn mạnh chiều cạnh bảo hiểm và mở rộng cơ hội việc làm và tạo việc làm cho những đối tượng có nhu cầu và trong khu vực kinh tế phi chính thức.

- Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Bảo trợ xã hội đề cập đến một hệ chính sách công nhằm giảm nhẹ tác động bất lợi của những rủi ro đối với hộ gia đình và cá nhân.

Nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương nếu người dân không có bảo trợ xã hội, và tác hại của việc thiếu bảo trợ xã hội đối với người khác.

- Viện nghiên cứu Phát triển Hải ngoại (ODI)

Bảo trợ xã hội là những hành động công ích nhằm giảm thiểu tính tổn thương, nguy cơ gây sốc và sự bần cùng hóa, là những điều không thể chấp nhận được về mặt xã hội.

Nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương và bần cùng hóa, do vậy bảo trợ xã hội hướng vào người nghèo hoặc những người khó khăn nhất thuộc tầng lớp không ai mong muốn trong xã hội.

Khái niệm Bảo trợ xã hội ở Việt Nam

Ở Việt Nam, bảo trợ xã hội gần với khái niệm trợ giúp xã hội, là một trong ba trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh. 

Với mục đích khắc phục rủi ro, trợ giúp xã hội cùng với bảo hiểm xã hội có chức năng giảm thiểu rủi ro, và chính sách thị trường lao động chủ động nhằm phòng ngừa rủi ro cho người dân (Vũ Văn Phúc, 2011).

Từ điển thuật ngữ an sinh xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không có thuật ngữ "bảo trợ xã hội" mà chỉ có khái niệm "trợ giúp xã hội" (social assistance) là:

Sự trợ giúp bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật của nhà nước (lấy từ nguồn thuế, không phải đóng góp từ người dân) nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho đối tượng được nhận (Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 2011).

Vai trò, mục đích

Dù theo định nghĩa nào, các tổ chức quốc tế đều thống nhất trong cách tiếp cận coi bảo trợ xã hội như một biện pháp kiềm chế nguy cơ bị tổn thương, duy trì được thu nhập, sinh kế, tránh rơi vào đói nghèo. 

Mục đích của bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo thu nhập và các điều kiện sống thiết yếu đối với các trường hợp bất hạnh, rủi ro, nghèo đói, không đủ sức lo liệu được cuộc sống.

(Tài liệu tham khảo: Xã hội học số 2 (122), 2013, Viện Xã hội học)

Diệu Nhi