|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quản trị nhà nước tốt là gì? Yêu cầu và đặc tính cơ bản

10:05 | 04/12/2019
Chia sẻ
Quản trị nhà nước tốt là việc thực thi các loại quyền lực như kinh tế, chính trị và hành chính để quản lí tốt mọi vấn đề của đất nước ở tất cả các cấp chính quyền.
bộ%20máy%20nhà%20nước

Hình minh hoạ (Nguồn: thegioiluat)

Quản trị nhà nước tốt

Khái niệm

Quản trị nhà nước tốt trong tiếng Anh tạm dịch là Good administration.

Quản trị nhà nước tốt được nhắc đến nhiều vào thập niên 1990 trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ và dân chủ hóa ngày càng mở rộng. 

Quản trị nhà nước tốt là cách thức sử dụng sức mạnh quyền lực nhà nước để quản nguồn lực xã hội vì sự phát triển quốc gia (Theo Ngân hàng Thế giới 1996).

Quản trị nhà nước tốt là việc thực thi các loại quyền lực như kinh tế, chính trị và hành chính để quản tốt mọi vấn đề của đất nước ở tất cả các cấp chính quyền (Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP 1997).

Yêu cầu chung

Từ các quan niệm nêu trên, có thể thấy các yếu tố chung cần có để thực hiện quản trị nhà nước tốt bao gồm: 

(1) Năng lực của nhà nước - mức độ giải quyết vấn đề của các chính phủ và các nhà lãnh đạo; 

(2) Khả năng ứng phó - liệu các chính sách và thể chế công có đáp ứng nhu cầu của công dân và đề cao quyền của họ hay không; 

(3) Trách nhiệm - khả năng của công dân, xã hội dân sự và khu vực tư nhân giám sát, theo dõi trách nhiệm của các thể chế công và chính phủ.

Đặc tính cơ bản

Mô hình "quản trị nhà nước tốt" có tám đặc tính cơ bản, hay là tám giá trị cốt lõi đã được nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thừa nhận.

- Một là, sự tham gia: Quản trị nhà nước tốt phải huy động được sự tham gia của các chủ thể trong xã hội vào hoạt động quản lí nhà nước, cụ thể là việc ban hành các quyết định hành chính, các chính sách, biện pháp hành động. 

Sự tham gia vào hoạt động quản lí phải thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giới tính, dân tộc hay địa vị xã hội. 

- Hai là, nhà nước pháp quyền: Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ, hành lang pháp lí công bằng và tạo cho người dân có thói quen sống, làm việc trong khuôn khổ của pháp luật. 

- Ba là, minh bạch: Quá trình ban hành và tổ chức thực hiện quyết định phải tuân thủ theo đúng các qui định của pháp luật. Nhà nước phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng. 

Các thông tin liên quan đến hoạt động của chính phủ phải được công bố đầy đủ, cập nhật, rõ ràng, dễ truy cập và dễ hiểu đối với mọi người dân.

- Bốn là, đáp ứng: Các thiết chế tổ chức và các qui trình hành chính phải phục vụ tổ chức và công dân trong khoảng thời gian thích hợp. Các qui định của pháp luật phải được ban hành kịp thời, đúng đắn theo yêu cầu của thực tiễn đời sống. 

- Năm là, hướng tới sự đồng thuận: Theo cách hiểu thông thường, đồng thuận là cùng đồng tình, bằng lòng với ý kiến, sự việc được nêu ra. Nó là kết quả của sự tự giác, tự nguyện đồng ý của mọi người với nhau mà không có bất kì một sự cưỡng bức, áp đặt nào.

- Sáu là, công bằng và thu hút: Nhà nước cần đảm bảo phục vụ công bằng mọi đối tượng khác nhau trong xã hội, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo.

- Bảy là, hiệu lực và hiệu quả: Hiệu lực trong quản trị nhà nước tốt nghĩa là làm cho kết quả của quá trình ban hành và thực hiện các qui định pháp luật phải đảm bảo sự tuân thủ của các đối tượng chịu sự điều chỉnh. 

Hiệu quả là kết quả đạt được phải đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc sử dụng hợp lí và tiết kiệm nhất các nguồn lực.

- Tám là, trách nhiệm giải trình: Trách nhiệm giải trình bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bộ máy nhà nước nói chung, của những người nắm giữ và thực hiện quyền lực công nói riêng, thể hiện theo hai hướng: 

Trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên (trách nhiệm trong nội bộ) và trách nhiệm của bộ máy công quyền với xã hội (trách nhiệm ra bên ngoài, hay trách nhiệm hướng xuống dưới).

(Tài liệu tham khảo: Trang Đào tạo đại học - Trường Đại học Kinh tế)

Diệu Nhi