|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ tháng 2/2020: Việt Nam tăng mạnh nhập điện thoại, ô tô, sắt thép

11:09 | 22/03/2020
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 2/2020 đạt 500,32 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng 1 vừa qua.
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 1,65 tỉ USD - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: XiteTech)

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 2/2020 đạt 500,32 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng 1. 

Tổng giá trị xuất khẩu trong hai tháng đầu năm đạt 934,25 triệu USD, tăng 1% so với 925,89 triệu USD cùng kì năm trước.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ trong tháng 2 đạt 347,29 triệu USD giảm 6,6% so với tháng liền kề trước đó, đưa tổng giá trị nhập khẩu trong hai tháng đạt 719,18 triệu USD tăng 3,3%. Thặng dư thương mại của Việt Nam trong tháng 2 là 153 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2020 đạt 1,65 tỉ USD, tăng 2% so với 1,62 tỉ USD cùng kì năm trước; Việt Nam xuất siêu 215,06 triệu USD.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao như chất dẻo nguyên liệu, tăng 257,2%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 135,8%; sản phẩm mây tre cói và thảm tăng 121,5%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 113,5%; giày dép các loại tăng 64,2%.

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Trong hai tháng qua, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 252 triệu USD, tăng 62,9% so với cùng kì năm trước.

Trong hai tháng đầu năm nay, nhập khẩu sắt thép các loại có giá trị lớn nhất đạt 142,14 triệu USD, tăng 57,8% so với cùng kì năm trước.

Các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao gồm ô tô nguyên chiếc tăng 45%; hàng thủy sản tăng 38,3%; xơ, sợi dệt các loại tăng 34,7%; dầu mỡ động thực vật tăng 34,1%.

Một số thủ tục Xuất nhập khẩu của Ấn Độ

Các loại giấy phép xuất nhập khẩu

Có giá trị trong thời hạn qui định trong giấy phép và bao gồm các điều khoản do cơ quan cấp giấy phép qui định như sau:

- Miêu tả hàng hóa, số lượng và trị giá hàng hóa.

- Trị giá xuất khẩu tối thiểu.

- Điều kiện của người sử dụng.

- Điều kiện xuất khẩu.

Giấy phép, giấy chứng nhận không phải là một quyền lợi và Tổng Giám đốc Ngoại thương, hay cơ quan cấp giấy phép có quyền từ chối cấp hoặc cấp lại một giấy chứng nhận, giấy phép theo những điều khoản của luật pháp hay những qui định hiện hành.

Hiệu lực của giấy phép xuất nhập khẩu

Thời hạn của giấy phép về thời gian chuyên chở hàng hóa liên hệ bằng tàu từ nơi cung cấp (nước xuất khẩu) đến nơi nhận hàng (Ấn Độ). Thời hạn của giấy phép có thể được cơ quan cấp phép gia hạn mỗi lần 6 tháng và không quá 125 tháng.

Tùy theo mặt hàng nhập khẩu và thể thức nhập khẩu mà thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu thay đổi từ 12 tháng đến 24 tháng.

Lệ phí xuất nhập hàng

Đơn được xuất trình cho các cơ quan cấp phép do Chính phủ Ấn Độ qui định. Tất cả đơn xin giấy phép xuất nhập khẩu hoặc bất cứ mục đích nào khác phải được hoàn chỉnh theo những qui định trong chính sách và thủ tục hiện hành.

Tất cả đơn xin xuất nhập hàng đều phải trả phí. Mức độ và thể thức thanh toán phí được ngành ngoại thương và thuế vụ qui định cụ thể.

Phùng Nguyệt