|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Xây dựng thương hiệu (Branding) của sản phẩm thành thương hiệu mạnh như thế nào?

15:40 | 15/09/2019
Chia sẻ
Xây dựng thương hiệu (tiếng Anh: Branding) là tạo lập và tăng giá trị tài sản thương hiệu trên thị trường. Theo đó, nhà quản trị marketing cần có cách thức để xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình trở thành thương hiệu mạnh.

branding-l%C3%A0-g%C3%AC-2

Hình minh họa (Nguồn: AgencyVN)

Xây dựng thương hiệu (Branding)

Khái niệm

Xây dựng thương hiệu trong tiếng Anh gọi là Branding.

Xây dựng thương hiệu là tạo lập và tăng giá trị tài sản thương hiệu trên thị trường. Đây là quá trình làm cho thương hiệu có những lợi ích khách hàng mong muốn và đạt được hình ảnh định vị rõ ràng trong tâm trí của khách hàng. 

Đây là quá trình làm cho khách hàng mua, sử dụng, hài lòng, mua lặp lại, dần dần, họ chung thủy với thương hiệu. Quá trình này cần thời gian lâu dài và đòi hỏi nỗ lực chung thống nhất của cả doanh nghiệp chứ không chỉ của người lãnh đạo hay người quản trị marketing.

Cách xây dựng thương hiệu mạnh

Để xây dựng thương hiệu thành công (thương hiệu mạnh) cần:

Trước hết, phải bắt đầu với sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của khách hàng. 

Thứ hai, phải bao bọc được xung quanh sản phẩm những yếu tố làm phân biệt được sản phẩm và tạo được uy tín cho sản phẩm. 

Thứ ba, là cần làm cho thương hiệu có giá trị hấp dẫn người mua, nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kèm theo khách hàng. 

Quá trình xây dựng một thương hiệu mạnh được bắt đầu khi khách hàng sử dụng thử sản phẩm và nếu doanh nghiệp phát triển thương hiệu một cách hợp lí, thương hiệu sẽ làm hài lòng khách hàng và dẫn đến việc mua lặp lại. Để đạt được điều này, cần có một cơ chế thúc đẩy liên tục bằng đầu tư cho quảng cáo, bán hàng, khuyến mại, quan hệ công chúng...

Doanh nghiệp cũng cần truyền tin về giá trị của thương hiệu cũng như duy trì hình ảnh của thương hiệu nhằm thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và tích luỹ kinh nghiệm sử dụng của khách hàng. Qua sự phối hợp giữa các kích thích của truyền thống và sự thỏa mãn trong kinh nghiệm sử dụng còn tạo được nhận thức, lòng tin về hình ảnh của thương hiệu. 

Yếu tố phát triển thương hiệu thành thương hiệu mạnh

Nhà quản trị marketing cần đảm bảo 5 yếu tố chính để phát triển thương hiệu thành thương hiệu mạnh, bao gồm: 

- Sản phẩm có chất lượng

Vì kinh nghiệm thỏa mãn trong sử dụng sản phẩm của khách hàng quyết định chủ yếu đến giá trị của thương hiệu đối với họ.

- Xuất hiện đầu tiên trên thị trường

Xuất hiện đầu tiên trên thị trường sẽ dễ dàng tạo lập được vị trí trong nhận thức của người tiêu dùng do thương hiệu chưa có các đối thủ cạnh tranh. Đây chính là qui luật của số 1 trong tâm trí khách hàng. 

- Chiến lược định vị nhất quán

Những yếu tố định vị nhất quán về lợi ích đề xuất hoặc các yếu tố mang lại giá trị cho khách hàng sẽ giúp phân biệt thương hiệu với các sản phẩm cạnh tranh. 

Chương trình truyền thông mạnh mẽ. Thương hiệu thành công yêu cầu hoạt động bán hàng hiệu quả, chiến dịch quảng cáo và truyền thông hiệu quả tới khách hàng về chức năng và giá trị tâm lí, cam kết của thương hiệu...

- Thời gian và sự kiên định

Các thương hiệu không thể xây dựng một cách nhanh chóng. Thường phải mất nhiều năm để tạo lập nên giá trị gia tăng cho thương hiệu. 

Các thương hiệu lại cần phải được đầu tư liên tục qua thời gian trên thị trường. Đầu tiên phải đầu tư tiền đề xác lập sự chấp nhận và sử dụng thương hiệu, sau đó cần đầu tư để duy trì giá trị của thương hiệu và thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh. 

Không có những kĩ thuật trong ngắn hạn có thể xây dựng được những tài sản thương hiệu bền vững, ngoài sự đầu tư kiên trì và hợp lí.

Để xây dựng được thương hiệu thành thương hiệu mạnh, bộ phận quản trị marketing cần phải xây dựng thương hiệu trong nội bộ doanh nghiệp. Nguyên tắc trong kinh doanh là trước khi doanh nghiệp bán được hàng cho khách hàng, họ phải bán được cho nhân viên của họ trước đã. 

 (Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thanh Hoa

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.