|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hệ thống nhận diện thương hiệu (Brand Identity System) là gì?

10:36 | 15/09/2019
Chia sẻ
Hệ thống nhận diện thương hiệu (tiếng Anh: Brand Identity System) là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm tên, logo, kí hiệu, khẩu hiệu, thiết kế, đóng gói và hoạt động của sản phẩm, dịch vụ cũng như hình ảnh thương hiệu.

cong-ty-tu-van-thuong-hieu-uy-tin-tai-ha-noi-va-tp-hcm-1

Hệ thống nhận diện thương hiệu (Brand Identity System)

Khái niệm

Hệ thống nhận diện thương hiệu trong tiếng Anh gọi là Brand Identity System.

Hệ thống nhận diện thương hiệu là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm tên, logo, kí hiệu, khẩu hiệu, thiết kế, đóng gói và hoạt động của sản phẩm, dịch vụ cũng như hình ảnh in sâu vào vào tâm trí của khách hàng khi họ nghĩ tới thương hiệu. 

Nó đảm bảo nhận thức, sự hiểu biết của khách hàng về hình ảnh của thương hiệu cũng như công ty. Nhận diện thương hiệu là tổng hòa của tất cả các yếu tố khi khách hàng tiếp cận, sử dụng và nhận được kết quả đem lại từ việc sử dụng thương hiệu đó. 

Dù cho doanh nghiệp lựa chọn chiến lược thương hiệu sản phẩm như thế nào, họ cũng phải xác định các yếu tố nhận diện thương hiệu.

Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu

Hệ thống nhận diện thương hiệu phải được thiết kế đồng bộ và nhất quán cho cả thương hiệu doanh nghiệp. Các yếu tố cơ bản cần thiết kế là:

Tên thương hiệu

Trước hết, nhà quản trị marketing phải xác định tên thương hiệu. Việc đặt tên thương hiệu thường phải đảm bảo 4 yêu cầu:

 - Nói lên được lợi ích của sản phẩm

- Nói lên được chất lượng của sản phẩm

- Phải dễ đọc, dễ nhận biết

- Tên hiệu phải khác biệt hẳn những tên thương hiệu của các doanh nghiệp cạnh tranh khác và không vi phạm qui định của luật pháp để có thể đăng kí bảo hộ độc quyền sử dụng.

Đối với các doanh nghiệp có qui mô lớn, để thực hiện giới thiệu được thường xuyên các sản phẩm mới thì nên xây dựng phòng phát triển tên thương hiệu. 

Logo hay biểu tượng

Nguyên tắc thiết kế là đơn giản, có ý nghĩa, độc đáo, dễ sử dụng cho các chương trình truyền thông cho thương hiệu. Biểu tượng thương hiệu doanh nghiệp cần xây dựng đảm bảo tính thống nhất các yếu tố cơ bản giữa tổng công ty với các công ty thành viên. 

Biểu tượng cho các thương hiệu sản phẩm cũng cần đảm bảo những yếu tố chung dễ nhận biết mối liên kết và phân biệt được đẳng cấp giữa chúng. 

Xác định khẩu hiệu (Slogan)

Lựa chọn khẩu hiệu cho thương hiệu doanh nghiệp và cho từng thương hiệu sản phẩm. Mỗi khẩu hiệu phải nói lên hình ảnh định vị hay tính cách cốt lõi thương hiệu. Đương nhiên, khẩu hiệu phải hấp dẫn, dễ nhớ.

Các yếu tố nhận diện khác của thương hiệu cũng phải thiết kế thành một hệ thống nhất từ biển hiệu doanh nghiệp, chi nhánh, đồng phục, hình thức trưng bày hàng, trình bày trên các giấy tờ giao dịch,... đều cần thiết kế theo những tiêu chuẩn thống nhất và sử dụng chính xác trong tất cả các hoạt động truyền thông.

Sự tiếp cận của khách hàng tới thương hiệu là kết quả của các phương thức và hành động công ty đã sử dụng trong các hoạt động truyền thông marketing tích hợp, bao gồm: Quảng cáo đại trà, lời chào hàng, xúc tiến bán, hoạt động tài trợ tại các sự kiện thể thao và giải trí, Website trên internet và thư trực tiếp, catalog, video, tờ rơi. 

Khách hàng có thể tiếp cận tới thương hiệu thông qua địa điểm bán hàng, báo chí, cửa hàng, nơi họ nhìn thấy, nghe hay đọc trên phương tiện truyền thông đại chúng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thanh Hoa