Văn hoá nam nhi (Tough - guy, macho culture) của Deal và Kennedy là gì? Điểm mạnh và hạn chế
Văn hoá nam nhi của Deal và Kennedy
Khái niệm
Văn hoá nam nhi của Deal và Kennedy trong tiếng Anh được gọi là Tough - guy, macho culture.
Deal và Kennedy (1982) đã khái quát các dạng văn hoá công ty dựa trên hai tiêu thức về thị trường (1) mức độ rủi ro gắn với các hoạt động của công ty và (2) tốc độ công ty và nhân viên của họ nhận được phản ứng về các chiến lược và quyết định của họ, thành bốn dạng điển hình.
Trong đó có dạng được gọi là Văn hoá nam nhi.
Văn hoá nam nhi thường thấy ở những tổ chức trong đó các thành viên luôn được khuyến khích sẵn sàng chấp nhận rủi ro, phản ứng nhanh, và chất lượng hành động và quyết định của họ là thước đo năng lực của họ.
Văn hoá nam nhi luôn coi trọng việc đặt cá nhân dưới những áp lực lớn, trực tiếp và coi trọng tốc độ phản ứng.
Điểm mạnh và hạn chế
- Điểm mạnh của văn hoá nam nhi là rất thích hợp cho các tổ chức hoạt động trong các điều kiện bất trắc, môi trường không ổn định, đòi hỏi sự linh hoạt, nhanh nhạy. Văn hoá nam nhi đánh giá cao tính quyết đoán, sự cuồng tín.
- Điểm hạn chế của văn hoá nam nhi là thiếu khả năng hợp tác, mặc dù đạt được năng suất cá nhân cao nhưng khó hình thành một văn hoá tổ chức mạnh, gắn bó.
So sánh với văn hoá quyền lực
Trong văn hoá quyền lực, chỉ có một trung tâm quyền lực duy nhất nằm ở vị trí trung tâm. Từ đó phát ra những chùm ảnh hưởng đến mọi vị trí trong tổ chức. Các chùm ảnh hưởng này gắn các vị trí chức năng và tác nghiệp với nhau nhằm tạo thuận lợi cho việc phối hợp hành động.
Xét từ góc độ triết lí, văn hoá nam nhi có nhiều điểm tương đồng với văn hoá quyền lực của Harrison/Handy, đó là dựa chủ yếu vào triết lí đạo đức nhân cách và vị kỉ. Trong đó, đạo đức nhân cách là nốt nhạc chính.
Điểm khác chủ yếu là ở cách diễn đạt. Điều này có thể dẫn đến việc các biện pháp quản lí tác nghiệp và thực thi sẽ được xây dựng dựa trên những nguyên tắc kiểm soát theo trách nhiệm công việc dựa trên triết lí đạo đức hành vi.
(Tài liệu tham khảo: Văn hoá Doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)