|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc đổi chiến thuật nhập khẩu ngũ cốc khi thị trường Mỹ biến động

07:25 | 06/07/2021
Chia sẻ
Nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc từ Mỹ của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, do thị trường Mỹ biến động mạnh, Trung Quốc đổi chiến thuật nhập khẩu, chờ giảm giá hoặc ký hợp đồng giao ngay cho năm tiếp theo.

Theo The Cattle Sites, năm 2020 Trung Quốc khuấy động thị trường xuất khẩu ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi của Mỹ khi nhập khẩu lượng lớn đậu nành, lúa miến và ngô của thị trường này.

Tận dụng lợi thế của tỷ giá hối đoái, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ngũ cốc để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi khi tổng đàn heo của nước này tăng mạnh, đồng thời bù đắp nguồn cung từ Brazil giảm do mất mùa.

Nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc từ Mỹ của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, nước này thay đổi chiến thuật nhập khẩu, thích ứng với sự biến động của thị trường Mỹ.

Theo CoBank (Mỹ) triển vọng tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh chủ yếu tổng đàn heo tăng và nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi ổn định.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngũ cốc của Mỹ đã bước sang một giai đoạn mới, đánh dấu sự biến động giá và Trung Quốc đang tận dụng sự biến động đó làm lợi thế.

Kenneth Scott Zuckerberg, nhà nghiên cứu về ngũ cốc và chăn nuôi của CoBank cho biết: "Trung Quốc vẫn là khách hàng quan trọng đối với ngũ cốc của Mỹ, ít nhất là trong năm tiếp thị 2021 - 2022. 

Tuy nhiên giá ngũ cốc tăng khiến Trung Quốc phải chuyển hình thức mua, chờ giá xuống thấp trước khi cam kết mua thêm hoặc ký hợp đồng giao ngay cho năm tiếp thị tiếp theo".

Nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc tăng đột biến đẩy giá ngũ cốc lên cao kỷ lục, đạt đỉnh vào tháng 5 và không ngừng biến động cho đến nay.

"Giá ngũ cốc đang ở thời kỳ biến động tăng và cũng có thể đảo chiều trong tương lai. Điều này có nghĩa các kho dự trữ ngũ cốc và người kinh doanh cần có chiến lược cụ thể về vốn và thanh khoản", ông Zuckerberg lưu ý.

Trong 6 tháng đầu năm, Mỹ xuất khẩu 57 triệu tấn đậu nành, ngô và lúa miến ngũ cốc sang Trung Quốc. Đó là mức tăng đáng kể bởi Trung Quốc chỉ nhập 15,5 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2020, gần 8 triệu tấn vào năm 2019.

Tiếp tục đà tăng, Trung Quốc ký hợp đồng gần 11 triệu tấn ngô và 3 triệu tấn đậu nành giao sau khi thu hoạch vụ mùa 2021 - 2022.

Zuckerberg cho biết: "Nếu không bị hủy bỏ, những đơn đặt hàng là cơ sở cho thấy xuất khẩu ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm".

Kể từ tháng 5/2020, Trung Quốc tích cực nhập khẩu đậu nành và ngô làm thức ăn chăn nuôi nhằm tái đàn heo trong nước sau đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF). Số lượng heo xuất chuồng ở Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2019 và 2020 do AFS và COVID-19.

Tuy nhiên, một dự án của Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính số lượng heo xuất chuồng năm 2021 sẽ tăng lên 520 triệu con sau khi giảm xuống 460 triệu con vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm của Đại học Missouri (FAPRI) còn tăng ước tính số lượng heo xuất chuồng ở Trung Quốc năm 2021 từ 520 triệu con lên 630 triệu con, tăng 21%. Điều này có nghĩa nhu cầu ngũ cốc sẽ tăng theo.

The Cattle Sites cho biết mức tiêu thụ thịt động vật trên bình quân đầu người ở Trung Quốc tăng gần gấp 3 lần trong 40 năm qua, trong đó thịt heo chiếm đa số. Trung Quốc nhập khẩu nhiều ngũ cốc chủ yếu được sử dụng trong nuôi heo.

Ông Zuckerberg nhận định sự kết hợp của các yếu tố như tổng đàn heo tăng, tỷ lệ xuất chuồng ổn định và quy đổi tiền tệ phù hợp dự báo nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc từ Mỹ vẫn khá cao.

Trao đổi với Global Times, ông Jiao Shanwei, Tổng biên tập của trang cngrain.com cho biết: "Quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ đang hồi phục cũng góp phần vào việc Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, vốn nằm trong hiệp định thương mại giai đoạn 1".

Mặc dù quan hệ Trung Quốc - Mỹ vẫn có nhiều căng thăng nhưng thương mại song phương tăng trưởng 52% tính theo USD trong 5 tháng đầu năm, mức tăng nhanh nhất trong các đối tác lớn của Trung Quốc.

Khi Trung Quốc và Mỹ bắt đầu bình hóa quan hệ thương mại sau các cuộc đàm phán thường xuyên giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ vào tháng 6, một số hợp tác song phương sẽ được kết nối trở lại.

Theo ông Jiao, Trung Quốc khuyến khích những doanh nghiệp, người chăn nuôi sử dụng ít khô đậu tương và ngô trong các sản phẩm thức ăn chăn nuôi để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Điển hình như công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của Trung Quốc New Hope Liuhe chỉ sử dụng 10% bột đậu nành trong các sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ cuối tháng 4, trước đó tỷ lệ bột đậu nành chiếm 12,5% năm 2020, hơn 13% năm 2019.

Hoàng Anh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.