|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, nông dân bán cắt lỗ, bỏ đàn

06:36 | 28/06/2021
Chia sẻ
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ, vì càng nuôi càng lỗ. Ngành chăn nuôi đang rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, kể từ sau đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi năm 2019.

Theo Tổng cục Hải quan nhập khẩu ngô trong tháng 5 đạt hơn 1 triệu tấn ngô, kim ngạch đạt 296,5 triệu USD tăng 45% về lượng, tăng 47% về giá trị so với tháng 4.

Lũy kế 5 tháng, nhập khẩu ngô của cả nước đạt gần 4,4 triệu tấn, tương đương hơn 1,1 tỷ USD, tăng 39% về lượng và tăng gần 73% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, nông dân bán cắt lỗ, bỏ đàn - Ảnh 1.

Lượng, giá trị nhập khẩu ngô từ tháng 5/2020 - 5/2021 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trong 5 tháng đầu năm, ngô được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Argentina, Brazil và Ấn Độ.

Trong đó, Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam với hơn 1,6 triệu tấn, tương đương hơn 450 triệu USD, giảm 10% về lượng, tăng 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 37% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.

Thị trường nhập khẩu ngô lớn thứ 2 là Brazil với gần 1,4 triệu tấn, tương đương 300 triệu USD, tăng 2,2 lần về lượng, tăng 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 31% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.

Đáng chú ý, nhập khẩu ngô từ Ấn Độ tăng vọt trong 5 tháng đầu năm với gần 650 nghìn tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng hơn 83.000% về lượng và tăng hơn 65.000% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 15% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, nông dân bán cắt lỗ, bỏ đàn - Ảnh 2.

Tỷ trọng nhập khẩu ngô của Việt Nam từ các thị trường (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, giá ngô nhập khẩu tháng 5 đạt 286 USD/tấn, tăng 3 USD/tấn so với tháng 4. 

Tính chung 5 tháng, giá ngô nhập khẩu trung bình đạt 264 USD/tấn, tăng 23% so với cùng kỳ 2020.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 5, tại một số địa phương phía Bắc như Chương Mỹ (Hà Nội), giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng đáng kể. Cụ thể, giá cám gạo, ngô bột, ngô hạt sấy, khô đậu tương đều tăng 500 - 1.000 đồng/kg đối với mỗi loại.

Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5 đạt 420 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 5 tháng đầu năm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính sẽ chưa giảm ngay trong quý II, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, nông dân bán cắt lỗ, bỏ đàn - Ảnh 3.

Giá nhập khẩu ngô tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Theo báo Tiền Phong, giá thức ăn tăng chóng mặt trong khi giá heo hơi liên tục giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi heo miền Bắc rơi vào cảnh lao đao, buộc phải cho heo xuất chuồng sớm để trả nợ.

Trang trại của ông Nguyễn Quang Sỹ (Hưng Yên) hai tháng nay đang bỏ trống vì đàn heo gần 120 con của gia đình vừa phải cho xuất chuồng sớm. 

Ông Sỹ cho biết, bình thường để nuôi một con heo xuất chuồng, riêng tiền thức ăn mất khoảng 3 triệu đồng. 

Từ sau Tết, giá mỗi bao tăng gần 60 nghìn đồng nên để nuôi một con heo nặng tầm 70 - 80 kg, người nuôi phải bỏ thêm gần 1 triệu đồng mua thức ăn. 

Mấy tháng nay, gia đình ông phải chạy vạy khắp nơi để xin bỏng ngô, rau dại làm thức ăn cho heo. Vừa rồi, gia đình không gánh nổi chi phí nên cho xuất chuồng sớm.

"Trong lúc giá thịt heo hơi đang giảm mạnh, xuất chuồng 120 con heo thịt, gia đình tôi vẫn không có lãi. Nếu tính cả công nuôi và chi phí chuồng trại, chúng tôi đang lỗ nặng. May tôi đã bán sớm", ông Sỹ nói.

Hoàng Anh