|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ Áo tăng hơn 250%

07:20 | 02/07/2021
Chia sẻ
Trong quý I, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Áo đạt gần 80 triệu USD, tăng 20,5% so với quý I/2020. Đáng chú ý, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ Áo đạt gần 1,7 triệu USD, tăng 251% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, Áo nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khối EU. Trong quý I, thương mại hai chiều Việt Nam – Áo chuyển biến tích cực.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Áo đạt gần 80 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 16% của kim ngạch nhập khẩu từ khối thị trường EU.

Đáng chú ý, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,7 triệu USD, tăng 251% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Áo.

Nhập khẩu thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh từ thị trường Áo trong quý I cũng tăng mạnh, tăng gần 183% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Áo đạt 925 triệu USD, tăng 3% so với quý I/2020.

Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Áo đạt 766 triệu USD, tăng 0,3% so với mức 764 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Áo đạt gần 846 triệu USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù có tín hiệu khả quan hơn nhưng đây vẫn là mức tăng khá thấp nếu so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 15% sang toàn khối EU trong cùng thời gian.

Nguyên nhân chính là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Áo còn hạn chế, nhiều mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu tiêu thụ của thị trường này giảm mạnh trước tác động của dịch COVID-19.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Áo chủ yếu là các mặt hàng được xuất khẩu bởi khối doanh nghiệp FDI. Trong đó, sản phẩm điện thoại di động và phụ tùng chiếm gần 80% tỷ trọng, tiếp đến là máy móc, thiết bị phụ tùng, hàng dệt may giày dép, đồ gỗ và các sản phẩm thủ công nghệ.

Vượt qua Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam trở thành thị trường ngoại khối cung cấp điện thoại các loại và linh kiện lớn nhất vào Áo.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gốm sứ, gỗ… chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Áo.

Bộ Công Thương nhận định với cơ cấu và tỷ trọng mặt hàng xuất khẩu như vậy, xuất khẩu hàng hóa sang Áo chưa tận dụng được lợi thế thuế quan sau khi EVFTA có hiệu lực.

Để xuất khẩu hàng hóa sang Áo tăng trưởng khả quan hơn đặc biệt là gia tăng thị phần đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần mở rộng các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may da giày, sản phẩm nông nghiệp như cà phê, thủy sản…

Hoàng Anh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.