|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục Chăn nuôi: Đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá là rất cần thiết

13:46 | 02/07/2021
Chia sẻ
Trước diễn biến liên tục tăng phi mã của giá thức ăn chăn nuôi thời gian gần đây, cả người chăn nuôi, Hiệp hội và cơ quan chức năng đều đồng tình với đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá để giảm thiểu nhiều rủi ro cho ngành hàng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá thức ăn chăn nuôi tăng nóng đến 8 lần

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng như ngô đạt 4,4 triệu tấn, khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 71%, đậu tương đạt khoảng 998.000 tấn với giá trị 553 triệu USD, tăng 21%;…

Đáng chú ý, không chỉ tăng nhập khẩu mà giá thức ăn chăn nuôi trong nước cũng không tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: "Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tiếp 8 lần trong giai đoạn từ tháng 11/2020 đến tháng 6 năm nay, với mức tăng 300-500 đồng/kg tùy công ty, tùy loại. Nguyên nhân do tình hình chung của nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới cùng tăng nên khi vận chuyện về Việt Nam cũng tăng theo".

Theo Cục Chăn nuôi trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10-15%.

Việc phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến phụ thuộc diễn biến giá trên thị trường thế giới.

Cũng theo ông Đoán, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tiếp đến 8 lần, tương đương mỗi tháng một lần. Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, bước đầu người dân nghĩ chỉ tăng vài lần sẽ ngưng nhưng hiện đã đến lần thứ 8 khiến người chăn nuôi rất lo lắng.

"Với con gà, sau hơn 1 năm rưỡi giá thành sản xuất luôn cao hơn giá bán ra khiến người dân phải bỏ đàn nên hiện nay không thể cập được tác động của giá thức ăn đối với con gà.

Còn riêng với con heo, so với cuối năm 2020 giá heo hơi đang có xu hướng giảm khoảng 40.000 đồng/kg, do đó, mỗi con heo xuất bán (100kg/con) chỉ còn khoảng 6 triệu đồng nhưng phải chịu chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức 3,5 triệu đồng, tăng 500.000 đồng", ông Đoán chia sẻ.

Cục Chăn nuôi: Đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá là rất cần thiết - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã có 8 lần điều chỉnh tăng liên tục trong 8 tháng qua. (Ảnh: DeHeus)

Ghi nhận giá heo hơi ngày 1/7 cho thấy đà giảm tiếp tục kéo dài với mức giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, mức giá giao dịch đang trong khoảng 60.000 - 69.000 đồng/kg.

Có thể thấy, giai đoạn hiện nay người chăn nuôi đang chịu nhiều áp lực ngoài mối lo về dịch bệnh, giá heo hơi xuất chuồng liên tục giảm mạnh, giá gà vẫn dưới giá thành sản xuất, thì việc giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã đang khiến cho người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ hàng loạt.

Đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn

Trước tình hình tăng nóng của giá thức ăn chăn nuôi, mới đây, báo Công Thương dẫn lời ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê), cho biết hiện đơn vị này đang đề xuất kiểm soát và bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản. 

Cụ thể, các cơ quan hữu quan cần rà soát và điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm độc quyền và hành động “làm giá” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra về hạch toán giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi và tỷ lệ lợi nhuận. 

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: "Thực chất Cục Chăn nuôi và Bộ NN&PTNT đã có đề xuất này từ năm 2018. 

Đối với chăn nuôi, ngành hàng chịu nhiều khó khăn do giá thức ăn trôi nổi, khó kiểm soát cho nên nếu đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá thì có thể giúp ổn định sản xuất cho người dân, giảm thiểu rủi ro. Do đó, đề xuất này rất cần thiết".

Còn theo đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước, cho rằng: "Ở góc độ Hiệp hội chúng tôi rất ủng hộ đề xuất này để tránh tình trạng thông tin cho rằng các công ty liên kết tăng giá thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, ở góc độ người chăn nuôi chúng tôi rất lo ngại".

Phân tích rõ hơn nhận định này, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết khi thức ăn chăn nuôi được kiểm soát ở một mức giá nhất định, liệu rằng chất lượng có đảm bảo như yêu cầu không, bởi theo ông Đoán, khi giá nguyên liệu trên thế giới tiếp tục tăng thì việc bình ổn có thể khiến mặt hàng này bị giảm chất lượng nhằm duy trì lợi nhuận cho nhà sản xuất.

"Lúc đấy cái lợi chưa thấy mà đã hại người chăn nuôi vì chất lượng thức ăn chăn nuôi đi xuống sẽ khiến sức khỏe vật nuôi giảm, chậm lớn, từ đó dịch bệnh có thể đe dọa đến vật nuôi và tình hình sản xuất của người dân", ông Đoán chia sẻ.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết khi đưa thức ăn chăn nuôi vào bình ổn sẽ có quy chuẩn chất lượng để các nhà sản xuất thực hiện và hậu kiểm được sản phẩm.

"Chất lượng kém sẽ được phản ánh từ người sử dụng, từ đó có thể tiến hành kiểm định ngay. Ngoài ra, về mặt quy định, nhà sản xuất sẽ phải công bố quy chuẩn chất lượng sản phẩm của mình. Do đó, việc đưa vào bình ổn là cần thiết nhất để đầu vào chăn nuôi ổn định trong bối cảnh giá cả trôi nổi và biến động như hiện nay", ông Trọng nhấn mạnh.

Như Huỳnh