Trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính là gì? Phương pháp
Hình minh hoạ (Nguồn: medium)
Trắc nghiệm phân tích
Khái niệm
Trắc nghiệm phân tích trong kiểm toán tài chính là việc so sánh các thông tin trong đó chủ yếu là các thông tin tài chính để xem xét mối quan hệ kinh tế và xu hướng biến động từ đó nghiên cứu phát hiện các bất thường.
Trong đó:
Trắc nghiệm (accounting test) là việc vận dụng các kĩ thuật của kiểm toán đối với các nghiệp vụ, số dư của tài khoản hoặc khoản mục cấu thành bảng khai tài chính.
Kiểm toán tài chính là hoạt động cơ bản và ra đời sớm nhất của kiểm toán do đó loại hình này khắc họa rõ nét những đặc trưng của hoạt động kiểm toán. Có thể xem xét các đặc trưng cơ bản của kiểm toán tài chính dựa trên các khía cạnh sau:
- Kiểm toán tài chính cũng hướng đến chức năng chung của kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến.
- Kiểm toán tài chính hướng đến tính trung thực, hợp lý và hợp pháp của bảng khai tài chính.
- Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính phục vụ cho cả đối tượng bên trong và bên ngoài đơn vị.
Phương pháp trắc nghiệm phân tích
Trắc nghiệm phân tích có thể được thực hiện thông qua:
- So sánh thông tin tài chính bao gồm các số dư, số phát sinh, các tỉ lệ giữa các kì, các niên độ tài chính hoặc so sánh thông tin tài chính của đơn vị với các đơn vị khác trong cùng ngành.
Ví dụ, so sánh tỉ lệ chi phí quảng cáo trong doanh thu giữa đơn vị khách hàng với các đơn vị khác cùng ngành.
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa thông tin tài chính và thông tin phi tài chính hay mối quan hệ giữa các yếu tố của thông tin tài chính hay thông tin phi tài chính.
Ví dụ, nghiên cứu mối quan hệ giữa chi phí tiền lương, số lượng lao động và trình độ học vấn của người lao động trong doanh nghiệp khách hàng.
- Trắc nghiệm này chủ yếu hướng tới việc nghiên cứu và so sánh các mối quan hệ để giúp kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán về tính hợp lí chung của số liệu và dữ liệu từ đó phát hiện các khả năng sai lệch thông tin.
Trắc nghiệm phân tích được sử dụng trong cả ba giai đoạn của cuộc kiểm toán tài chính: chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán và kết thúc kiểm toán.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về kiểm toán tài chính, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)