|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tổng cục Quản lí thị trường (Vietnam Directorate of Market Surveillance) là gì?

16:07 | 16/12/2019
Chia sẻ
Tổng cục Quản lí thị trường (tiếng Anh: Vietnam Directorate of Market Surveillance) là môt tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương hoạt động trong một số lĩnh vực thị trường.
9350f5a376e29fbcc6f3

Hình minh họa (Nguồn: Langmoda)

Tổng cục Quản lí thị trường

Khái niệm

Tổng cục Quản lí thị trường trong tiếng Anh gọi là: Vietnam Directorate of Market Surveillance.

Tổng cục Quản lí thị trường là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lí nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lí các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; 

Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo qui định pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng Bộ Công Thương để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định:

a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; 

Dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lí thị trường; về chế độ, chính sách đối với công chức Quản lí thị trường;

b) Chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, kế hoạch phát triển dài hạn, đề án, dự án quan trọng, dự thảo báo cáo về tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lí thị trường.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định:

a) Dự thảo thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lí thị trường; 

Về công tác kiểm tra, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ - thương mại trên thị trường và các lĩnh vực khác theo qui định của pháp luật, về chế độ, chính sách đối với công chức Quản lí thị trường thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng;

b) Kế hoạch hoạt động hàng năm hoặc theo giai đoạn của Tổng cục;

c) Kiến nghị biện pháp quản lí nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lí thị trường.

3. Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, văn bản theo qui định của pháp luật thuộc phạm vi quản lí của Tổng cục.

4. Tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lí thị trường; về chế độ, chính sách đối với công chức Quản lí thị trường sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

5. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lí vi phạm hành chính theo qui định của pháp luật:

6. Kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lí theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lí hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lực lượng Quản lí thị trường theo qui định của pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo qui định của pháp luật.

7. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lí của Tổng cục.

8. Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

9. Xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lí địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lí vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu quản lí nhân sự, tài sản và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng Quản lí thị trường theo phân công của Bộ trưởng và qui định pháp luật; 

Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lí vi phạm hành chính của lực lượng Quản lí thị trường với cấp có thẩm quyền.

10. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, phương pháp quản lí tiên tiến trong hoạt động của lực lượng Quản lí thị trường.

11. Quản lí tổ chức bộ máy, biên chế; cấp Thẻ kiểm tra thị trường cho công chức làm nhiệm vụ kiểm tra thị trường theo qui định pháp luật; tổ chức thực hiện và kiểm tra lực lượng Quản lí thị trường thực hiện qui định về tổ chức, tiêu chuẩn công chức, chế độ trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, biển hiệu, ấn chỉ và Thẻ kiểm tra thị trường.

12. Thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, thi đua khen thưởng, kỉ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, người lao động thuộc phạm vi quản lí của Tổng cục theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công Thương và qui định của pháp luật.

13. Quản lí tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công Thương và theo qui định của pháp luật.

14. Thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế theo sự phân công của Bộ trưởng.

15. Thống kê nhà nước về hoạt động quản lí thị trường.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao và theo qui định của pháp luật.

(Tài liệu tham khảo: Quyết định 34/2018/QĐ-TTg qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lí thị trường trực thuộc Bộ Công Thương)

Tuyết Nhi

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.