Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (ASEAN Agreement on Movement of Natural Persons - MNP) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: informaconnect)
Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân
Khái niệm
Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân trong tiếng Anh gọi là: ASEAN Agreement on Movement of Natural Persons - MNP.
Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (MNP) được kí ngày 19/11/2012 tại Phnom Penh, Campuchia với mục tiêu dỡ bỏ đáng kể các rào cản đối với việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN.
Di chuyển thể nhân là sự di chuyển của cá nhân từ nước này qua nước khác để cung cấp một dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong ASEAN, phương thức cung cấp dịch vụ này ban đầu được đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (AFAS), nhưng sau đó được tách riêng ra để đàm phán trong một Hiệp định riêng là Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (MNP) năm 2012.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi hơn cho sự di chuyển của lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN, các nước đã kí kết các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong một số lĩnh vực ngành nghề nhằm công nhận lẫn nhau về bằng cấp và trình độ của lao động có kĩ năng trong khu vực.
Cho tới thời điểm tháng 12/2015, các nước ASEAN đã kí 8 Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong 8 lĩnh vực dịch vụ là: Kiến trúc, Tư vấn kĩ thuật, Điều dưỡng, Hành nghề y, Nha sỹ, Du lịch, Kế toán kiểm toán, và Khảo sát.
Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân là một trong những Hiệp định thương mại được kí kết trong khuôn khổ ASEAN và hướng tới mục tiêu thực hiện AEC.
Phạm vi áp dụng
Hiệp định này áp dụng đối với các qui định ảnh hưởng tới việc di chuyển tạm thời qua biên giới của thể nhân của một nước ASEAN sang lãnh thổ của nước ASEAN khác trong các trường hợp:
i) Khách kinh doanh (business visitors),
ii) Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp,
iii) Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng,
iv) Một số trường hợp khác qui định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết về Di chuyển thể nhân của mỗi nước đính kèm theo Hiệp định này.
- Hiệp định không áp dụng đối với các qui định của một nước ASEAN liên quan tới việc hạn chế tiếp cận thị trường lao động của người lao động các nước ASEAN khác. Việc mở cửa thị trường lao động của mỗi nước chỉ áp dụng cho các ngành nghề được qui định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết của nước đó và thuộc một trong 4 trường hợp trên.
- So sánh cam kết WTO và Pháp luật Việt Nam: Các cam của Việt Nam trong MNP phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong WTO và các qui định pháp luật nội địa của Việt Nam
(Tài liệu tham khảo: Doanh nghiệp và Tự do hóa thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI)