|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) là gì? Mục tiêu và bản chất của AEC

16:38 | 12/12/2019
Chia sẻ
Cộng đồng kinh tế ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Economic Community - AEC) là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020.
MEA

Hình minh họa (Nguồn: readgur)

Cộng đồng kinh tế ASEAN

Khái niệm

Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tiếng Anh gọi là: ASEAN Economic Community - AEC.

Cộng đồng kinh tế ASEAN là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020, và được khẳng định lại trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II):

Tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế-xã hội.

(Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN (Cộng đồng Kinh tế-AEC, Cộng đồng An ninh – Chính trị và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội), sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN là kết quả của quá trình liên kết kinh tế, chính trị lâu dài của ASEAN. 

Ban đầu, ý tưởng thiết lập AEC chỉ là một hoạt động tiếp nối, mở rộng các cam kết tự do hóa mà ASEAN đã thực hiện trong khuôn khổ Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ năm 1993.

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Mục tiêu của AEC

Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung

• Tự do lưu chuyển hàng hoá 

• Tự do lưu chuyển dịch vụ 

• Tự do lưu chuyển đầu tư 

• Tự do lưu chuyển vốn 

• Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề 

• Lĩnh vực hội nhập ưu tiên 

• Thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp

Một khu vực kinh tế cạnh tranh

• Các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh 

• Bảo hộ người tiêu dùng 

• Quyền sở hữu trí tuệ 

• Phát triển cơ sở hạ tầng 

• Thuế quan 

• Thương mại điện tử

Phát triển kinh tế cân bằng

• Các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) 

• Sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN

Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu

• Tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác kinh tế 

• Nâng cao năng lực tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu

Bản chất AEC 

Mặc dù được gọi với cái tên "Cộng đồng kinh tế", AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng châu Âu (EC) bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, qui định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC.

AEC thực chất là đích hướng tới của các nước ASEAN thông qua việc hiện thực hóa dần dần 04 mục tiêu kể trên (trong đó chỉ mục tiêu 01 là được thực hiện tương đối toàn diện và đầy đủ thông qua các Hiệp định và thỏa thuận ràng buộc đã kí kết, các mục tiêu còn lại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng lộ trình, khuôn khổ, thực hiện một số chương trình và sáng kiến khu vực). 

AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay một Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Chương trình, Sáng kiến, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. 

Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới (không bắt buộc) của các nước ASEAN. 

Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây (thông qua việc thực hiện các cam kết tại các Hiệp định cụ thể về thương mại đã kí kết giữa các nước ASEAN) và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới (tiếp tục thực hiện theo lộ trình các Hiệp định, Thỏa thuận đã có và các vấn đề mới, nếu có).

(Tài liệu tham khảo: Doanh nghiệp và Tự do hóa thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI)


Tuyết Nhi