Tính ổn định trong sản xuất là gì? Yếu tố đánh giá
Tính ổn định trong sản xuất
Khái niệm
Tính ổn định trong sản xuất tạm dịch sang tiếng Anh là Stability in Manufacturing.
Nói chung tính ổn định trong sản xuất bao hàm ý nghĩa: khả năng có thể dự đoán, vừa đủ (không thừa, không thiếu) nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu và phương pháp (4M) trong mọi tình hình sản xuất.
Yếu tố đánh giá
Làm sao biết được doanh nghiệp có đủ tính ổn định trên chuyền sản xuất? Câu trả lời phụ thuộc vào khả năng có đáp ứng được những yếu tố chính sau đây hay không:
- Đủ máy móc để đáp ứng yêu cầu của khách hàng không?
- Đủ nguyên liệu dùng hàng ngày cho sản xuất không?
- Đủ lao động đã được huấn luyện để vận hành sản xuất không?
- Đủ phương pháp như hướng dẫn công việc hay tiêu chuẩn nơi làm việc chưa?
Với chỉ một câu trả lời là "chưa" trong những câu hỏi trên thì doanh nghiệp nên ngừng sản xuất và giải quyết vấn đề ngay.
Yếu tố cần tập trung
Để đạt được tính ổn định doanh nghiệp cần tập trung vào bốn yếu tố sau (4M):
a. Manpower - Nhân lực
Tính ổn định bắt đầu với lực lượng lao động được đào tạo tốt.
b. Machine - Máy móc
Doanh nghiệp không nhất thiết cần những máy móc có năng suất lớn nhưng phải nắm rõ yêu cầu của khách hàng, năng lực sản xuất và sản lượng bình quân của mình.
c. Material - Nguyên vật liệu
Mục tiêu của Lean là giảm lượng hàng tồn và thời gian từ lúc nhận đơn hàng đến thời gian sản phẩm được xuất kho. Thông thường, khoảng thời gian này giảm khi lượng hàng tồn trên chuyền sản xuất là ít.
Trong trường hợp có vấn đề về tính ổn định, tăng hàng tồn kho một chút là giải pháp tạm thời. Trong sản xuất, rất nhiều công đoạn doanh nghiệp có thể cho nguyên liệu hay bán thành phẩm "chạy" từng chiếc trên chuyền hay "chạy" theo mẻ với một lượng nhỏ.
d. Method - Phương pháp
Cuối cùng, để đạt được tính ổn định, doanh nghiệp phải có phương pháp chuẩn để sản xuất.
Vậy thế nào là tiêu chuẩn. Theo cách định nghĩa thông thường, tiêu chuẩn là một qui định hay cách thức để hoàn thành một công việc nào đó.
Đôi khi, người thực hiện không được khuyến khích thay đổi hay thắc mắc về tiêu chuẩn. Nhiều người thường nói rằng "Mình buộc phải làm như thế này thôi, đó là tiêu chuẩn của công ty mà".
(Tài liệu tham khảo: Phương pháp Quản lí Tinh gọn, Nội dung cơ bản và hướng dẫn áp dụng Lean, NXB Hồng Đức)