|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Muda là gì? Các loại lãng phí theo định nghĩa của Muda

09:26 | 18/03/2020
Chia sẻ
Muda là một từ tiếng Nhật có nghĩa là lãng phí, vô ích, vô dụng, phế thải... là một khái niệm cơ bản trong hệ thống sản xuất Toyota.
Muda là gì? Các loại lãng phí theo định nghĩa của Muda - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: process)

Muda

Khái niệm

Muda là một từ tiếng Nhật có nghĩa là lãng phí, vô ích, vô dụng, phế thải... là một khái niệm cơ bản trong hệ thống sản xuất Toyota. 

Toyota đã không ngừng tấn công vào Muda (lãng phí) bằng cách trao quyền cho người lao động để thực hiện hoạt động cải tiến, sau đó được tiêu chuẩn hóa và chia sẻ cho nhau. Giảm thiểu lãng phí là cách hiệu quả để tăng lợi nhuận.

Các loại lãng phí

Muda định nghĩa 7 loại lãng phí bao gồm:

(1) Lãng phí do chờ đợi: là thời gian công nhân chờ bán thành phẩm từ một quá trình khác hay máy móc, thiết bị đợi nguyên vật liệu khi bàn giao chuyển ca...;

(2) Lãng phí do sai lỗi: sản phẩm lỗi phải sửa chữa, khắc phục (ví dụ nhập sai dữ liệu, thông tin, kiểm soát quá trình kém, chương trình sai sót, nhầm lẫn, thông tin không chính xác...);

(3) Lãng phí trong vận chuyển: mỗi khi một sản phẩm được vận chuyển, ví dụ vận chuyển nguyên liệu từ kho tới phân xưởng sản xuất hay giữa các công đoạn với nhau, đều có nguy cơ xảy ra như hỏng hóc, thất thoát, bị chậm trễ... Hơn nữa, khách hàng không trả tiền cho việc này;

(4) Lãng phí do tồn kho hoặc bán thành phẩm dở dang trong quá trình: Các dạng tồn kho có thể là nguyên liệu, bán thành phẩm (WIP) hoặc là các sản phẩm hoàn thiện. 

Điều này phản ánh nguồn vốn bỏ ra nhưng chưa tạo ra doanh thu, vì vậy, tồn kho quá mức cần thiết sẽ gây ra lãng phí cho cả nhà sản xuất và khách hàng...);

(5) Lãng phí do xử thừa: Các vận động cả tinh thần và thể chất của cá nhân không tạo ra giá trị (ví dụ như việc tìm kiếm hồ sơ/tài liệu hay thông tin trên máy tính, di chuyển không cần thiết do cách bố trí mặt bằng văn phòng/nhà xưởng bất hợp ...).

Hay thực hiện những hoạt động mà khách hàng không yêu cầu, không cần thiết (ví dụ cung cấp số liệu, lặp đi lặp lại thiết kế nhiều biểu mẫu khác nhau với cùng loại thông tin, tài liệu...);

(6) Lãng phí do sản xuất thừa: là sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn yêu cầu của khách hàng. Điều này dẫn đến tăng chi phí khác như lưu kho, bảo quản, chi phí nhân công...;

(7) Lãng phí do các cử động thừa: Có những cử động của công nhân như lấy chi tiết lên, đặt xuống hay tìm kiếm dụng cụ, chi tiết... là các lãng phí vì không tạo giá trị gia tăng nào cho sản phẩm, cần được giảm thiểu. 

Ngoài ra, còn kể đến một lãng phí nữa đó là không sử dụng hết trí óc, năng, đóng góp của người lao động.

Ví dụ như không lắng nghe và sử dụng ý kiến đóng góp của người lao động khi tìm kiếm các giải pháp, thiếu cơ chế chia sẻ các kinh nghiệm hay bố trí lao động không đúng với năng và sở trường phù hợp với công việc được giao (được gọi là lãng phí sức sáng tạo của người lao động).

(Tài liệu tham khảo: Phương pháp Quản lí Tinh gọn, Nội dung cơ bản và hướng dẫn áp dụng Lean, NXB Hồng Đức)

Diệu Nhi