Tính chính đáng (Legitimacy) là gì? Bản chất và đặc trưng
Hình minh họa
Tính chính đáng (Legitimacy)
Định nghĩa
Tính chính đáng trong tiếng Anh là Legitimacy. Tính chính đáng là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong ngành nghiên cứu chính trị.
Tuy nhiên định nghĩa và đo lường tính chính đáng là một điều không dễ, thể hiện ở việc nhiều học giả đưa ra những định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Tuy nhiên có thể thấy một phần lớn các nghiên cứu về tính chính đáng dựa trên định nghĩa của Max Weber.
Theo Weber, tính chính đáng là cơ sở của mọi hệ thống quyền hành và là nguồn gốc dẫn tới sự tự nguyện tuân thủ quyền hành đó.
Bản chất
- Tính chính đáng được xây dựng trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chính quyền, thừa nhận rằng chính quyền đó xứng đáng được cầm quyền. Niềm tin của người dân vì vậy mang lại cho chính quyền uy tín lãnh đạo.
- Tính chính đáng cũng bắt nguồn từ sự độc quyền của nhà nước đối với việc sử dụng bạo lực, được đảm bảo thực thi một cách hợp pháp thông qua bộ máy chính quyền và các tòa án tư pháp.
Đặc trưng
Muthiah Alagappa cho rằng một Nhà nước có thể xây dựng tính chính đáng của mình dựa trên bốn yếu tố cơ bản.
- Thứ nhất, đó là các chuẩn tắc và giá trị chung của xã hội.
Yếu tố này liên quan đến hệ thống niềm tin và các hệ tư tưởng giúp hình thành nên cấu trúc của hệ thống chính quyền và bộ máy cai trị. Chính vì vậy, mỗi Chính phủ cần phải thúc đẩy một ý thức hệ nhất định, và người dân càng chấp nhận rộng rãi ý thức hệ đó thì tính chính đáng của chính quyền đó càng trở nên vững mạnh.
- Thứ hai, đó chính là phương thức giành chính quyền.
Có hai trường hợp một Chính phủ có thể có được tính chính đáng ban đầu mà không cần tới các cuộc bầu cử.
Trường hợp thứ nhất là việc một Chính phủ lên nắm quyền sau những sự kiện thay đổi lịch sử, ví dụ như các cuộc cách mạng; và trường hợp thứ hai liên quan đến uy tín của một cá nhân lãnh đạo, đặc biệt là khi kết hợp với các cơ sở quyền hành khác sau các cuộc cách mạng.
- Thứ ba, đó là việc chính quyền có thực thi các quyền hành với mục tiêu giúp thúc đẩy lợi ích tập thể của người dân hay không.
Theo đó, việc thực thi quyền hành phù hợp không chỉ bao gồm việc tuân thủ luật pháp các các quy định, tiến trình đã được thừa nhận rộng rãi mà còn liên quan đến tính hiệu quả của chính quyền. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện và thúc đẩy các lợi ích chung của người dân.
- Cuối cùng, việc một chính quyền có duy trì được tính chính đáng của mình hay không còn tùy thuộc vào việc chính quyền đó có nhận được sự đồng ý và ủng hộ của người dân hay không.
Liên hệ thực tiễn
Trong quan hệ quốc tế, tính chính đáng trở thành một vấn đề phức tạp hơn khi không tồn tại một Chính phủ toàn cầu điều chỉnh hoạt động của các quốc gia như đối với các chính quyền trong nước.
Các nghiên cứu về tính chính đáng trong quan hệ quốc tế hiện nay tập trung vào vấn đề tính chính đáng của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong xã hội quốc tế. Theo đó, một trong những yếu tố thiết lập nên cấu trúc của xã hội quốc tế chính là các nguyên tắc và thực tiễn của tính chính đáng quốc tế cũng như tính chính đáng quốc nội.
(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)