|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thuyết chuyển đổi quyền lực (Power transition theory) là gì?

14:10 | 24/10/2019
Chia sẻ
Thuyết chuyển đổi quyền lực (tiếng Anh: Power transition theory) tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các cường quốc trong hệ thống quan hệ quốc tế khi xuất hiện thay đổi về cán cân sức mạnh.
Power transition theory

Hình minh họa

Thuyết chuyển đổi quyền lực (Power transition theory)

Định nghĩa

Thuyết chuyển đổi quyền lực trong tiếng Anh là Power transition theory

Thuyết chuyển đổi quyền lực là một lí thuyết trong quan hệ quốc tế nghiên cứu mối quan hệ giữa các quốc gia trong hệ thống quốc tế.

Thuyết chuyển đổi quyền lực lần đầu tiên được tranh luận vào cuối những năm 1950 bởi Organski. Thuyết này tập trung vào bản chất phân cấp của các quốc gia trong hệ thống quốc tế. Vì vậy, sự chú ý không phải là sự hỗn loạn trong quan hệ quốc tế, mà là, nhà nước mạnh hơn đặt ra luật chơi như thế nào. (Theo Organski & Kugler, 1989)

Có thể hiểu theo cách đơn giản:

Thuyết chuyển đổi quyền lực tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các cường quốc trong hệ thống quan hệ quốc tế khi xuất hiện thay đổi về cán cân sức mạnh.

Bản chất và nội dung

- Mặc dù thừa hưởng nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện thực như xem sức mạnh và sự phân phối sức mạnh đóng vai trò thiết yếu trong việc phân định kết quả chính trị thế giới, nhưng thuyết chuyển đổi quyền lực lại nhìn thế giới bằng một nhãn quan khác. Theo đó, trật tự thế giới không phải là vô chính phủ, mà được phân thành một hệ thống thứ bậc dựa trên sức mạnh của các quốc gia.

- Khác với thuyết cân bằng quyền lực, thuyết chuyển đổi quyền lực cho rằng mục tiêu cuối cùng của các quốc gia không phải là theo đuổi hay tích lũy sức mạnh. Thay vào đó, sức mạnh chỉ là một phương tiện để các quốc gia theo đuổi một mục tiêu quan trọng hơn, đó là giành được vị trí lợi thế hơn trong hệ thống thứ bậc quốc tế.

- Khi một thứ hạng mới được xác lập, phản ánh hợp hơn tương quan sức mạnh giữa các quốc gia, thì trật tự và hòa bình sẽ được thiết lập.

- Ngoài ra, trong khi thuyết cân bằng quyền lực cho rằng sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia là yếu tố then chốt giúp duy trì hòa bình và ổn định trong hệ thống quốc tế, thì Thuyết chuyển đổi quyền lực lại cho rằng việc quyền lực của các quốc gia, đặc biệt là của các cường quốc trong hệ thống, xích lại gần nhau và trở nên cân bằng lại dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh bá quyền, làm mất ổn định hệ thống.

Liên hệ thực tiễn

Thuyết chuyển đổi quyền lực đã được nhiều học giả sử dụng để kiểm chứng các trường hợp chuyển đổi quyền lực trong lịch sử.

Kết quả thực nghiệm miêu tả một bức tranh hỗn hợp. Sự thay đổi cán cân quyền lực từng diễn ra một cách hòa bình trong trường hợp Mỹ vượt Anh ở những năm cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Theo đó, hợp tác giữa quốc gia bá chủ và cường quốc đang lên đã diễn ra một cách êm thấm. Tuy nhiên, trong trường hợp Đức vượt Anh cũng khoảng thời gian này thì chiến tranh lại xảy ra.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật; Power transition theory, International relations)

Minh Lan