|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Diệt chủng (Genocide) là gì? Bản chất và đặc trưng của diệt chủng

00:56 | 19/10/2019
Chia sẻ
Diệt chủng (tiếng Anh: Genocide) là những hành động nhằm tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm người vì lí do quốc tịch, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.
Dark Blue Co Working Simple Presentation

Hình minh họa

Diệt chủng (Genocide)

Định nghĩa

Diệt chủng trong tiếng Anh là Genocide.

Có rất nhiều các học giả cũng như tổ chức khác nhau đưa ra các định nghĩa về "diệt chủng".

Tuy nhiên định nghĩa về "diệt chủng" được thừa nhận và sử dụng rộng rãi nhất chính là định nghĩa được nêu trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Trừng phạt và Ngăn ngừa Tội ác Diệt chủng năm 1948 (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 12/1/1951).

Điều 2 của công ước này định nghĩa:

Diệt chủng là những hành động nhằm tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm người vì do quốc tịch, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.

Thế nào là hành động diệt chủng?

Công ước đã liệt kê năm hành động sau được coi là hành động diệt chủng:

- Sát hại các thành viên của nhóm người đó

- Gây nên những tổn hại nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với các thành viên của nhóm người đó

- Cố tình buộc nhóm người đó phải chịu những điều kiện sống được tính toán nhằm gây nên sự tiêu vong toàn bộ hoặc một phần nhóm người đó

- Áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sinh đẻ trong nhóm người đó

- Dùng vũ lực chuyển trẻ em trong nhóm người đó sang một nhóm khác

Bản chất và đặc trưng của diệt chủng

Một điều có thể nhận thấy là khái niệm "diệt chủng" nhiều khi bị lạm dụng, bởi không phải mọi cuộc thảm sát qui mô lớn đều được coi là hành động diệt chủng. Cụ thể:

- Điểm khác biệt đầu tiên giữa hành động diệt chủng và việc giết người trên qui mô lớn là phạm vi của hành động diệt chủng rộng lớn hơn. Diệt chủng không chỉ liên quan đến việc giết người mà còn bao gồm các hành động như thanh lọc sắc tộc, ép buộc triệt sản, hãm hiếp tập thể, tra tấn về thể xác và tinh thần, trục xuất, di dời chỗ ở…

- Thứ hai, trong khi giết người trên qui mô lớn thường nhằm tiêu diệt các cá nhân nạn nhân thì hành động diệt chủng chỉ xảy ra khi một Chính phủ hay bất kì một nhóm có tổ chức nào hành động một cách có tính toán nhằm tiêu diệt hoàn toàn một nhóm người hoặc triệt tiêu khả năng tồn tại của nhóm người đó.

Chính vì vậy việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật dù gây ra cái chết của hàng trăm nghìn người cùng lúc nhưng không bị coi là hành động diệt chủng.

Nguyên nhân của diệt chủng

- Có một số lí do dẫn tới việc các chính quyền thực thi chính sách diệt chủng, như chủ nghĩa dân tộc sắc tộc, bất đồng giữa các tôn giáo, đối đầu về ý thức hệ, tranh giành quyền lực chính trị, hay tham vọng xây dựng các cộng đồng chính trị "thuần chủng".

- Trong nhiều trường hợp, chính sách diệt chủng thường bắt nguồn từ việc các chính quyền cầm quyền cảm thấy bất an trước các nhóm sắc tộc đối thủ của mình, từ đó tìm mọi cách tiêu diệt họ.

- Những cảm giác bất an như vậy càng trở nên mạnh mẽ hơn trong những thời rối loạn xã hội, như khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, nội chiến, hay xảy ra biến động chính trị. Chính vì vậy, việc những thảm họa diệt chủng thường xảy ra trong các thời rối loạn xã hội như kể trên là điều dễ hiểu.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Minh Lan