|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) là gì? Phân loại WMD

14:40 | 19/10/2019
Chia sẻ
Vũ khí hủy diệt hàng loạt (Weapon of mass destruction, viết tắt: WMD) là những loại vũ khí có khả năng gây sát thương cao trên diện rộng và gây tổn thất lớn về cơ sở vật chất, môi trường sinh thái, tác động mạnh đến tâm lí – tinh thần của con người.
slide-0

Hình minh hoạ. Nguồn: present 5

Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD)

Định nghĩa

Vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tiếng Anh là Weapon of mass destruction, viết tắt: WMD.

Vũ khí hủy diệt hàng loạt là những loại vũ khí có khả năng gây sát thương cao trên diện rộng và gây tổn thất lớn về cơ sở vật chất, môi trường sinh thái, tác động mạnh đến tâm – tinh thần của con người.

Phân loại

- Vũ khí hủy diệt hàng loạt gồm 3 loại: Vũ khí sinh học; vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân.

Do đó, ngoài thuật ngữ Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), người ta còn sử dụng các loại thuật ngữ: Vũ khí nguyên tử, sinh học và hóa học (ABC); vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC); vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN).

Vũ khí sinh học

- Vũ khí sinh học là loại vũ khí hủy diệt lớn dựa vào đặc tính gây bệnh hay truyền bệnh của các vi sinh vật như vi trùng, vi khuẩn; hoặc các độc tố do một số vi trùng tiết ra. 

- Những tác nhân thường được sử dụng làm vũ khí sinh học gồm 3 nhóm chính: thực vật, động vật và vi khuẩn. 

- Phạm vi hoạt động của những tác nhân độc hại này rất đa dạng, khó có thể kể hết. Những tác nhân đã được phát triển thành vũ khí bao gồm vi khuẩn bệnh than, botulinum toxin, tularemia, brucellae, bệnh dịch hạch và đậu mùa. 

- Khả năng gây độc của những tác nhân này cũng rất khác nhau, đa số gây bệnh nghiêm trọng, có những loại gây chết người. Trong đó vi khuẩn bệnh than được cho là độc hại nhất đối với con người. 100kg vi khuẩn bệnh than có thể lan rộng ra một vùng rộng 300 km2 trong một đêm và có thể giết chết 1- 3 triệu người.

Vũ khí hoá học

- Vũ khí hóa học là loại vũ khí sử dụng chất độc hóa học (thường là chất độc quân sự) để gây nguy hại trực tiếp cho con người, động vật và môi trường sống (gây ngạt, gây tổn thương thần kinh, gây loét da hoặc tiêu diệt cây cỏ). 

- Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cả hai phe đều dùng các chất gây chảy nước mắt, khí Clo, khí photgen gây ngạt đựng trong chai, trong đạn pháo làm cho hàng trăm ngàn người nhiễm độc và hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Vũ khí hạt nhân

- Vũ khí hạt nhân được chế tạo lần đầu trong một dự án tối mật mang tên Manhattan, do chính phủ Mỹ tiến hành với sự giúp đỡ của người Anh trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhằm đối phó với nguy cơ người Đức sản xuất loại vũ khí này trước mình. 

- Khác với vũ khí sinh học và hóa học, vũ khí hạt nhân đem đến sự hủy diệt bằng năng lượng do các phản ứng phân hạch và nhiệt hạch gây ra, với sức công phá tương đương 10 triệu tấn thuốc nổ, có khả năng hủy hoại cả một thành phố trong chớp mắt. 

- Ví dụ: Hai quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 được xem là những thương vong qui mô lớn đầu tiên gây ra do vũ khí hạt nhân.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Minh Lan