|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chủ nghĩa tân tự do (Neo-Liberalism) là gì?

19:58 | 18/10/2019
Chia sẻ
Chủ nghĩa tân tự do (tiếng Anh: Neo-Liberalism) ra đời trong những năm 1980, khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế.
Chủ nghĩa tân tự do

Hình minh họa. Nguồn: China Daily

Chủ nghĩa tân tự do

Khái niệm

Chủ nghĩa tân tự do trong tiếng Anh là Neo-liberalism

Chủ nghĩa tân tự do, còn được biết đến với tên gọi chủ nghĩa tự do thể chế (institutional liberalism), là một dòng nghiên cứu quan trọng trong các thuyết quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa tân tự do ra đời trong những năm 1980, khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. 

Khác với trường phái tự do cổ điển tập trung vào câu hỏi chiến tranh hay hòa bình, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước.

Một trong những điểm quan trọng nhất là các chính phủ phải trả một cái giá cao hơn rất nhiều nếu không tham gia vào các thể chế quốc tế, hoặc quyết định tham gia trễ hơn vào hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ các thể chế quốc tế. 

Nội dung của chủ nghĩa tân tự do

Cơ sở lí thuyết cho lập luận này được mô phỏng qua lí thuyết trò chơi, với ví dụ điển hình là trò chơi "thế lưỡng nan của tù nhân". Bài học từ trò chơi này cho thấy, cũng như những người tù trong trò chơi, các quốc gia cũng thường lâm vào các tình huống lưỡng nan trong quan hệ quốc tế liên quan đến vấn đề có nên tham gia hợp tác với các quốc gia khác hay không.

Theo đó, nếu các quốc gia tự giải quyết vấn đề một cách đơn phương có thể giữ lại chủ quyền tuyệt đối, nhưng hiệu quả công việc sẽ thấp hơn hoặc phí tổn bỏ ra cũng sẽ cao hơn rất nhiều trong trường hợp chấp nhận cùng các quốc gia khác thực hiện hợp tác. Ngược lại, nếu chấp nhận giới hạn phần nào chủ quyền hành động, các quốc gia có thể thúc đẩy hiệu năng công việc và giảm phí tổn gánh chịu một mình trong việc giải quyết vấn đề. 

Chính vì vậy để theo đuổi hợp tác quốc tế, các quốc gia cần chú trọng đạt được lợi phần tuyệt đối thay vì lợi phần tương đối như các nhà hiện thực đề nghị. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao có thể biết được rằng các quốc gia khác cũng sẽ hành động tương tự và tham gia hợp tác. Theo các nhà tân tự do, vấn đề này có thể được khắc phục thông qua việc hình thành các thể chế (institutions) và định chế (regimes) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Chủ nghĩa tân tự do và những lập luận dựa trên dòng tư tưởng này là đối tượng phê bình và phản biện của nhiều học thuyết quan hệ quốc tế khác từ những năm 1980 đến nay. Đáng kể nhất là cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa tân hiện thực được biết đến với tên gọi  "Neo-Neo-Debate". 

Hai học thuyết này bất đồng với nhau trên nhiều khía cạnh, từ tác động của tình trạng vô chính phủ, hiệu năng của các thể chế quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề, đến các ưu tiên và mục tiêu theo đuổi (lợi phần tuyệt đối và tương đối) của các quốc gia.

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.