|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiến sĩ Việt tại Nhật Bản gọi vốn online thành công 20 tỷ đồng cho công nghệ phòng chống ung thư

08:24 | 24/05/2021
Chia sẻ
Mang đến liệu pháp điều trị ung thư được xem là “công nghệ 4.0” của mảng y tế, JVM nhận được cú gật đầu từ Shark Việt.

Shark Tank Việt Nam vừa chứng kiến màn gọi vốn trực tuyến đầu tiên mùa này khi ông Đinh Ngọc Hải, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Y học Tái sinh Việt Nhật (JVM), đã thực hiện gọi vốn từ Tokyo cho công ty của mình. Với mong muốn nhận 20 tỷ đồng để đổi lấy 30% cổ phần, JVM mong muốn mở mới một cơ sở trị liệu tế bào miễn dịch tại TP HCM.

Ông Hải là tiến sĩ ngành hoá tại Nhật Bản và từng có 22 năm sinh sống tại đây.

Tiến sỹ Việt 22 năm sống tại Nhật Bản gọi vốn online thành công 20 tỷ đồng từ Shark Việt - Ảnh 1.

Ông Đinh Ngọc Hải là một tiến sĩ ngành hoá tại Nhật Bản. JVM có hai thành viên sáng lập, bao gồm ông Hải và một bác sĩ người Nhật, trong đó ông Hải giữ khoảng 65% cổ phần. (Ảnh: Shark Tank)

Sản phẩm mà JVM mang đến Shark Tank Việt Nam là công nghệ trị liệu tế bào miễn dịch để phòng chống và điều trị ung thư. Đây là công nghệ tách tế bào miễn dịch từ máu của bệnh nhân ra ngoài nuôi cấy nhằm mục đích tăng trưởng cả số lượng và chất lượng. 

Sau đó, các tế bào này được đưa lại vào cơ thể của bệnh nhân để tăng cường miễn dịch, giúp chống lại các tác nhân từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, các tế bào đột biến và tế bào ung thư.

Theo chia sẻ của ông Đinh Ngọc Hải, đây là liệu pháp chữa trị đã được thế giới công nhận và từng đạt giải Nobel Y học năm 2018. Công ty Cổ phần Y học Tái sinh Việt Nhật (JVM) hiện tại chưa có doanh thu và là đại diện chuyển giao công nghệ của một công ty tại Nhật Bản sở hữu công nghệ chữa trị này. 

Đến nay, công nghệ đã được chuyển giao cho một cơ sở tại Hà Nội và hiện mô hình kinh doanh kêu gọi vốn là cho một mô hình tương tự tại TP HCM.

Bà Vũ Thị Thắm, quản lý dự án của JVM, người cùng kêu gọi vốn với ông Hải, nói rằng mô hình kinh doanh gọi vốn có chức năng nuôi cấy các tế bào miễn dịch sau đó hợp tác với các cơ sở y tế, bệnh viên để trị liệu cho bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, JVM cũng thực hiện chuyển giao công nghệ cho các cơ sở y tế, bệnh viện để tự triển khai trực tiếp. Ở giai đoạn 2, JVM tiến tới sẽ tự thành lập một trung tâm trị liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam.

Ông Hải cho biết, đơn vị hợp tác với JVM là một cơ sở sớm sử dụng công nghệ tế bào gốc trong trị liệu và hiện đang có khoảng 1.000 bệnh nhân sử dụng phương pháp mà JVM giới thiệu.

Tiến sỹ Việt 22 năm sống tại Nhật Bản gọi vốn online thành công 20 tỷ đồng từ Shark Việt - Ảnh 2.

Ông Đinh Ngọc Hải chia sẻ chi phí điều trị tại Việt Nam là khoảng 95 triệu đồng/liệu trình, thấp hơn khá nhiều so với giá điều trị tại Nhật Bản khi dao động trong khoảng 6.000 USD đến 7.000 USD tuỳ cơ sở. (Ảnh: Shark Tank)

Ông Đinh Ngọc Hải chia sẻ thêm rằng chi phí điều trị tại Việt Nam là khoảng 95 triệu đồng/liệu trình, thấp hơn khá nhiều so với giá điều trị tại Nhật Bản khi dao động trong khoảng 6.000 USD đến 7.000 USD tuỳ cơ sở.

Với một startup trong lĩnh vực y tế, Shark Việt tỏ ra khá quan tâm khi đang sở hữu Tổ hợp y tế Phương Đông. Tuy nhiên, một trong những rào cản mà ông nêu ra là việc xin các giấy phép của Bộ Y tế. Ông Hải đáp rằng hiện giải pháp của JVM chuyển giao mới nhận được giấy phép thử nghiệm lâm sàng.

Với 20 tỷ kêu gọi, ông Hải sẽ dùng để thiết lập một phòng thí nghiệm tại TP HCM. Khi nhắc đến mong muốn tìm kiếm một đối tác triển khai kinh doanh tại Việt Nam, Shark Bình cho rằng tỷ lệ hợp lý giữa JVM và nhà đầu tư là 1:1. Dù vậy, ông Hải cho rằng định giá mà ông đưa ra là hợp lý khi tính đến cả giá trị của những kiến thức của đơn vị đối tác tại Nhật.

Shark Việt là người duy nhất đưa ra đề nghị đầu tư cho JVM khi 4 "cá mập" còn lại đều từ chối rót vốn. Cụ thể, con số mà ông đưa ra là 20 tỷ cho 50% cổ phần. 

Ông Hải ngay lập tức từ chối đề nghị này vì chỉ có thể chia sẻ tối đa khoảng 32% đến 33% cổ phần công ty. Khi Shark Việt đưa ra cổ phần mong muốn là 35%, ông Hải nâng mức đầu tư kỳ vọng lên 30 tỷ. Cuối cùng, hai bên đồng ý "chốt deal" ở mức đầu tư 20 tỷ đồng cho 32%.

Nam Khánh