Shark Liên đầu tư 2 triệu USD vào một startup vật liệu xây dựng, bất chấp việc chưa có kế hoạch kinh doanh rõ ràng
Trong tập 12 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ”, anh Trương Trọng Hỷ, CEO và đồng sáng lập e-Timber và anh Trần Huy Cường, đồng cổ đông của e-Timber, đã giới thiệu startup chuyên về lĩnh vực xử lý vật liệu tự nhiên như gõ, tre, nứa… để bền vững và ổn định hơn khi sử dụng ngoài trời. e-Timber mong muốn kêu gọi 2 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần.
Theo giới thiệu của e-Timber, công nghệ xử lý vật liệu tự nhiên của startup này đáp ứng được các tiêu chuẩn của AWPA (Hiệp hội Bảo quản gỗ Hoa Kỳ) và TPAA (Hiệp hội bảo quản gỗ của Úc). e-Timber khẳng định công nghệ của startup có thể giúp các vật liệu như gỗ, tre, nứa, lá có thời gian sử dụng lên tới nhiều chục năm bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết đồng thời khắc phục được các vấn đề như mục, mối, mọt và mốc.
Sau khi nghe phần trình bày, Shark Bình đặt ra câu hỏi về lý do e-Timber đang tự định giá công ty lên tới 18 triệu USD. Anh Hỷ cho biết một trong những lý do cho mức định giá này là việc e-Timber đã bỏ ra 80 tỷ đồng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh doanh cho tới thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, định giá của e-Timber cũng được đưa ra dựa trên mục tiêu doanh số trong tương lai có thể đạt từ 400 tỷ đến 460 tỷ đồng cùng với đó là biên lợi nhuận khoảng 30%. Dù vậy, e-Timber chưa có kế hoạch và mục tiêu cụ thể để đạt được mục tiêu này. Lúc này, Shark Bình cho rằng để đưa ra được mức định giá này, e-Timber cần có kế hoạch kinh doanh cụ thể trong 5 năm tới cùng một mức biên độ lợi nhuận hấp dẫn.
Anh Cường khẳng định điểm mấu chốt của e-Timber nằm ở việc dự án đã có hạ tầng nhà máy hoàn thiện với diện tích 1 héc-ta. Tuy nhiên, đây là một nhà máy đã được đầu tư từ các dự án trước đó của anh, thay vì được xây dựng cho chính e-Timber. Anh Cường đang tính chi phí đầu tư của dự án trước đây cho dự án e-Timber. Đây là điều mà phần lớn các Shark cho rằng là chưa hợp lý. Anh Hỷ cho biết nếu chỉ tách riêng e-Timber, đầu tư cho dự án mới chỉ là 10 tỷ đồng. Shark Hưng cho rằng dự án cũ và e-Timber nên được tách bạch thành 2 pháp nhân riêng.
Về hoạt động kinh doanh, e-Timber hiện bán được từ 20 khối trên một tháng với doanh thu khoảng 1,8 tỷ và lợi nhuận 30%. Shark Liên đặt ra câu hỏi về chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mà e-Timber mang lại. Anh Cường khẳng định đối với tiêu chuẩn áp dụng cho ngoại trời của AWPA và TPAA thì gần như không có nhà máy nào có thể sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, e-Timber cũng đã phải mất nhiều thời gian và tiền bạc để áp dụng được công nghệ phù hợp với gỗ và các điều kiện tại Việt Nam.
Nói về tệp khách hàng, e-Timber cho biết điểm kết nối chính của startup này các kiến trúc sư. Với kênh phân phối, e-Timber bán hàng qua kênh đại lý, các công ty xây dựng và các công ty phát triển bất động sản. Tới cuối năm 2022, e-Timber đặt mục tiêu doanh thu 30 tỷ và tới cuối năm 2023, con số sẽ lên tới 100 tỷ.
Shark Hưng thừa nhận về tính ứng dụng của sản phẩm mà e-Timber đang mang đến tuy nhiên ông cho rằng e-Timber vẫn chỉ mang tính chất thị trường ngách. Phản biện lại, anh Cường nói việc hướng đến thị trường ngách là lựa chọn của chính startup này. Anh khẳng định thêm rằng giá trị vật liệu sẽ tăng lên gấp đôi sau khi qua công nghệ xử lý của e-Timber.
Shark Hưng cho rằng e-Timber vẫn lên phát triển thêm kênh phân phối bán lẻ. Bên cạnh đó, các con số tài chính của e-Timber cũng chưa quá rõ ràng. Do đó, Shark Hưng không đầu tư.
Shark Bình cũng từ chối đầu tư vì cho rằng định giá e-Timber chưa hợp lý. Ông nhận định phương pháp chiết khấu dòng tiền mà e-Timber đang dùng để đưa ra mức định giá ở thời điểm này là chưa phù hợp do startup đã có các chỉ số kinh doanh tương đối ổn định. Shark Erik Josson cũng có quan điểm tương tự.
Đề cao vấn đề thân thiện môi trường của sản phẩm, Shark Liên đề nghị đầu tư 2 triệu USD cho 30% cổ phần (bao gồm bất động sản). Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 2 triệu USD, trong đó 10 tỷ đổi lấy 20% cổ phần (không bao gồm bất động sản) còn 36 tỷ còn lại dưới dạng khoản vay. Hai đề nghị đầu tư này gần như tương đương nhau về mặt giá trị công ty.
Sau khi hội ý, e-Timber đề nghị 2 triệu USD cho 20% cổ phần. e-Timber chia sẻ mong muốn được đi cùng Shark Liên với thương vụ này. Sau cùng, Shark Liên điều chỉnh lại đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 20% cổ phần và 1 triệu USD còn lại là khoản vay theo lộ trình sử dụng vốn. e-Timber chấp nhận đề nghị này.