Kỷ lục Shark Tank Việt Nam mùa 5: 'Cá mập mới' Hùng Anh chốt deal nhiều nhất, Shark Liên nắm giữ golden ticket giá trị cao nhất
Tối 4/9, chương trình truyền hình nổi tiếng Shark Tank Việt Nam, một chương trình dành cho các startup có nhu cầu gọi vốn từ các Shark (cá mập) đã phát sóng tập cuối cùng của mùa 5. Một mùa Shark Tank nữa kết thúc cũng là lúc có những kỷ lục mới được xác lập, qua đó khẳng định vai trò của chương trình trong hành trình nâng tầm startup Việt.
Shark chốt nhiều deal nhất
Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 có tổng cộng 8 “cá mập” lên sóng từ tập đầu cho tới tập cuối, bao gồm Shark Bình, Shark Liên, Shark Hùng Anh, Shark Hưng, Shark Erik, Shark Thái Vân Linh, Shark Phú và Shark Louis Nguyễn.
Trong đó, có hai “cá mập” mới toanh mới tham gia chương trình từ mùa 5 là Shark Hùng Anh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BIN Corporation và Shark Erik, Đối tác điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Antler tại Việt Nam.
Mặc dù là người mới tham gia Shark Tank, song chính Shark Hùng Anh lại người giành được nhiều deal nhất mùa 5 với tổng cộng 10 deal. Những người kế tiếp lần lượt là Shark Liên (9 deal), Shark Bình (7 deal), Shark Hưng (6 deal), Shark Erik (3 deal), Shark Phú (2 deal), Shark Thái Vân Linh (2 deal) và Shark Louis Nguyễn (1 deal).
Deal có giá trị lớn nhất
Shark Tank mùa 5 cũng ghi nhận những thương vụ có giá trị lớn, trong đó nổi bật là e-Timber, startup chuyên về lĩnh vực xử lý vật liệu tự nhiên như gõ, tre, nứa,…
Cụ thể, trong tập 12 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, e-Timber của CEO Trương Trọng Hỷ và nhà đồng sáng lập Trần Huy Cường mong muốn kêu gọi 2 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần. Theo giới thiệu của e-Timber, công nghệ xử lý vật liệu tự nhiên của startup này đáp ứng được các tiêu chuẩn của AWPA (Hiệp hội Bảo quản gỗ Hoa Kỳ) và TPAA (Hiệp hội bảo quản gỗ của Úc). e-Timber khẳng định công nghệ của startup có thể giúp các vật liệu như gỗ, tre, nứa, lá có thời gian sử dụng lên tới nhiều chục năm bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết đồng thời khắc phục được các vấn đề như mục, mối, mọt và mốc.
Sau quá trình thuyết trình và thương lượng với các Shark, e-Timber đề nghị 2 triệu USD cho 20% cổ phần. e-Timber chia sẻ mong muốn được đi cùng Shark Liên với thương vụ này. Sau cùng, Shark Liên điều chỉnh lại đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 20% cổ phần và 1 triệu USD còn lại là khoản vay theo lộ trình sử dụng vốn. e-Timber chấp nhận đề nghị này.
Bên cạnh đó, Shark Tank mùa 5 cũng ghi nhận một số thương vụ có giá trị lớn, chẳng hạn như Hệ thống Anh ngữ Á Châu nhận cam kết 1 triệu USD đổi lấy 12% cổ phần từ Shark Hùng Anh, EM & AI nhận cam kết đầu tư 1 triệu USD cho 5% cổ phần công ty từ Shark Liên, giày Sondo nhận cam kết đầu tư 23 tỷ đồng của Shark Hùng Anh để đổi lấy 30% cổ phần.
Shark rút golden ticket nhiều nhất
Bên cạnh mô típ cũ của chương trình, Shark Tank Việt Nam mùa 5 còn chứng kiến một luật mới có tên “Golden Ticket”. Cụ thể, với luật mới này, các “cá mập” sẽ sử dụng golden ticket (vé vàng) khi muốn chiêu mộ startup và loại các Shark khác để giành quyền ưu tiên đàm phán.
Golden ticket có giá trị khởi điểm là 100 triệu đồng. Shark có quyền tăng giá trị mỗi lần trả giá với mức tối thiểu là 10 triệu đồng và không giới hạn khoản tăng tối đa. Quan trọng nhất là khoản tiền Shark trả cho golden ticket sẽ thuộc về startup, kể cả trong trường hợp thương thuyết hoặc thẩm định sau cam kết trên sóng không thành công.
Ngay từ thương vụ mở màn của tập 1 mùa 5, golden ticket đã được Shark Hưng và Shark Hùng Anh tung ra để "săn" Jungle Boss, công ty du lịch mạo hiểm, chuyên tổ chức các tour khám phá hang động tại Quảng Bình.
Với những lợi thế mà golden ticket đem lại, chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 đã chứng kiến tới 9 lần các “cá mập” rút vé vàng để giành quyền ưu tiên đàm phán với các startup, đạt tổng giá trị 1,75 tỷ đồng. Trong đó, Shark Liên là người rút nhiều golden ticket nhất với tổng cộng 4 lần, đồng thời cũng là người giữ kỷ lục golden ticket có giá trị cao nhất, lên tới 500 triệu đồng.