|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chỉ có duy nhất một khách hàng nhưng sản phẩm sợi dệt từ lá dứa của Ecosoi vẫn khiến cá mập phải tranh giành

09:39 | 29/08/2022
Chia sẻ
Một startup với đội ngũ chỉ khoảng 4 con người, không cùng nghề nghiệp nhưng lại có chung đam mê với sản phẩm sợi dệt từ lá dứa đã khiến hội đồng đầu tư phải tranh giành.

Mang sản phẩm sợi vải được dệt từ lá dứa tới Shark Tank Việt Nam, startup Ecosoi với nhà sáng lập Vũ Thị Liễu mong muốn kêu gọi 100.000 USD cho 20% cổ phần. CEO Vũ Thị Liễu chia sẻ bản thân chị là giảng viên khoa môi trường, không phải chuyên ngành kinh doanh, giám đốc sản xuất Nguyễn Văn Hạnh là một anh nông dân và thêm một người bạn đồng hành khác đang ở nước ngoài là chủ tịch của tổ chức Keep It Beautiful Vietnam chuyên khôi phục những làng nghề truyền thống đang bị mai một.

Ecosoi là nơi họ tập hợp để làm theo khát vọng. Theo giới thiệu, sản phẩm của Ecosoi đã xuất hiện ở một số chương trình thời trang nhỏ diễn ra ở Thụy Sỹ, Canada và sắp tới là Hy Lạp.

Theo nhà sáng lập, mỗi quả dứa được hái, người nông dân sẽ bỏ đi 2-3kg dứa, như vậy có cả triệu tấn lá dứa được bỏ đi hàng năm.

Nắm bắt được thực trạng đó, năm 2021, Ecosoi phát triển những dòng máy như máy tách sợi, máy đánh bông, máy chải sợi để tạo ra sản phẩm chính là sợi thô và sợi đánh bông. Theo kế hoạch năm 2023, công ty sẽ có dòng sản phẩm mới là cuộn sợi công nghiệp phục vụ cho ngành thời trang. Doanh thu dự kiến năm 2022 là 4,7 tỷ đồng, năm 2023 là 40 tỷ đồng và năm 2024 là 71,5 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 15%.

 Nữ CEO của Ecosoi, Vũ Thị Liễu.

Hiện tại, doanh thu của Ecosoi với chỉ đạt 700 triệu đồng trong tháng 5/2022. Mô hình của Ecosoi là chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã và những doanh nghiệp có sẵn vùng nguyên liệu, cơ sở vật chất, nguồn lao động là người dân địa phương. Theo tiết lộ của nhà sáng lập, khách hàng hiện tại của Ecosoi là Pinatex – đơn vị sản xuất da từ sợi dứa lớn trên thế giới.

Trả lời câu hỏi dùng 100.000 USD vào những việc gì, bà Liễu cho biết startup sẽ đóng gói tất cả các quy trình và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mức tối thiểu mà khách hàng mong muốn là 7 tấn/tháng nhưng hiện tại Ecosoi chỉ đạt được gần 3 tấn/tháng.

Về đội ngũ và khoản vốn đã đầu tư, CEO Vũ Thị Liễu trả lời nhóm hiện có 4 người và đóng góp 1 tỷ đồng nhưng đã tiêu hết 800 triệu đồng, giá trị tài sản hiện tại cũng khoảng 800 triệu đồng. Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, họ có chuyển giao công nghệ 20 máy cho các hợp tác xã và cũng thu lại lợi nhuận từ đó. Startup cũng nói thêm về điểm vượt trội công nghệ của Ecosoi khi sản xuất trung bình được 4kg sợi/ngày.

Bà Liễu dẫn ví dụ là Philippines - nhà cung cấp sợi dứa chủ yếu cho Pinatex, chỉ có thể cho ra đời khoảng 3,75kg sợi/ngày. Bên cạnh đó, CEO Ecosoi cho rằng trong quá trình thu hoạch lá, nếu "đối thủ" Philippines sản xuất 1 kg sợi từ 67 kg lá dứa thì Ecosoi chỉ cần 55 kg.

Về vấn đề bảo vệ công nghiệp, CEO Vũ Thị Liễu trả lời rằng Ecosoi đã đăng ký giải pháp hữu ích cho sợi công nghệ là lá dứa và cũng đã đăng ký bản quyền cho dòng sợi và dòng vải. Trong khi đó, Shark Hưng đặt câu hỏi về việc thiết kế máy tuốt sợi, startup thành thật trả lời công ty đã tiếp tục nghiên cứu dựa trên nền tảng máy tách sợi của Philippines. Về nguyên lý, hai máy đều giống nhau nhưng cấu tạo khác nhau và đó cũng là lý do năng suất của công ty Việt Nam cao hơn so với nước bạn.

Shark Hưng tiếp tục làm rõ vấn đề, ông muốn biết sau khi công ty bán máy tuốt sợi cho người dân thì phải thêm bao nhiêu phần giá trị gia tăng cho sản phẩm trước khi xuất khẩu và ngoài ra, ông đặt câu hỏi về khách hàng Pinatex nhập khoảng bao nhiêu tấn sợi dứa trong một năm.

Với câu hỏi này, startup chỉ trả lời được một phần, đó là giá trị gia tăng thêm khoảng 5% nhưng số liệu của Pinatex là thông tin nội bộ của công ty đó nên startup không thể nắm rõ. Bà Liễu chỉ ước tính được Ecosoi đang chiếm 2-5% thị phần của Pinatex và CEO Ecosoi cho rằng với ngành dệt may, nếu chiếm 0,1% đã là niềm vinh hạnh.

Khi Shark Hưng hỏi rõ hơn về hợp đồng với Pinatex, CEO Vũ Thị Liễu trả lời Ecosoi đã ký hợp đồng đầu tiên và đang thương thảo tiếp về phần đặt cọc. Lĩnh vực kinh doanh này được ưu tiên khi xuất khẩu với 0% thuế. 

Với sự so sánh sợi dứa với sợi bông, CEO đưa ra thông tin tuy sợi dứa đắt gấp 2,5 lần, thấm hút mồ hôi tương đương nhưng tính cơ lý bền hơn rất nhiều so với sợi bông. Nếu muốn làm mềm sợi dứa, có rất nhiều công đoạn và phương pháp mà bà con dân tộc đã áp dụng ví dụ như phơi sương, chà đá. 

Khi được hỏi về doanh số, startup trả lời rằng Ecosoi đã đạt được khoảng 14 tấn [ở thời điểm ghi hình]. Họ sẽ chuẩn bị cho tháng 7 và tháng 8 - thời gian bắt đầu xuất đơn hàng lớn còn hiện tại tháng 5 chỉ mới chuyển giao công nghệ, thu về 700 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi về lợi thế cạnh tranh của thương hiệu nếu như bị ép giá, CEO cho rằng đó cũng là điều mà họ đang lo lắng, việc phụ thuộc vào một khách hàng là điều rất rủi ro. Bởi vậy họ mới hướng đến những sản phẩm khác ví dụ như sợi đánh bông. Đây là loại sợi có thể bán cho ngành dệt may Việt Nam với các loại vải không dệt. Sản phẩm thứ hai là cuộn sợi công nghiệp hiện đang tiếp tục được nghiên cứu, dự kiến cho ra mắt vào năm 2023.

Vấn đề phụ thuộc vào khách hàng Pinatex đáng quan ngại so với Shark Hưng, ông còn chỉ ra rằng một kỹ sư bình thường khi nhìn máy tuốt sợi có thể làm ra sản phẩm y hệt. Với những phân tích về độ rủi ro đó, ông từ chối đầu tư. Shark Bình là người tiếp theo từ chối đầu tư.

 Sản phẩm sợi dệt từ lá dứa của Ecosoi.

Shark Hùng Anh cho rằng startup cần xây dựng lại mô hình công ty cũng như tìm ra giải pháp cho việc bị ép giá khi phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất, ông đưa ra lời đề nghị 100.000 USD để sở hữu 40% cổ phần.

Shark Liên và Shark Erik thành lập "liên minh môi trường", đưa ra mức giá 100.000 USD cho 36% cổ phần cùng lời hứa sẽ giúp startup đi nhanh hơn. Các cá mập tiếp tục giằng co, Shark Hùng Anh giảm mức phần trăm sở hữu xuống còn 30% kèm sự hỗ trợ về việc bố cục lại công ty đúng nghĩa, vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả hơn hiện tại.

CEO Vũ Thị Liễu chia sẻ ở vòng gọi vốn này, mức tối đa mà công ty đặt ra là 25%. Liên minh cá mập tiếp tục ra deal cuối cùng là 100,000 USD cho 30% cổ phần, trong khi đó vị cá mập xứ Quảng đề nghị 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần, thêm khoảng 700 triệu đồng so với trước đó.

Sau thời gian thảo luận, CEO Vũ Thị Liễu quyết định chọn Shark Hùng Anh vì bà cũng có một người hướng dẫn quê Quảng Nam. Ngoài ra, nữ CEO cũng muốn tránh việc định giá công ty quá thấp.

Doanh Chính