|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Rời bỏ nghiệp báo chí về quê khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, startup gây xúc động trên Shark Tank chốt deal với Shark Hùng Anh

07:32 | 29/08/2022
Chia sẻ
Bh.nong và người sáng lập Võ Thị Minh Nga khiến các Shark và người xem xúc động với câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Chị Võ Thị Minh Nga gây xúc động với câu chuyện “bỏ phố về quê” để khởi nghiệp dù chưa rõ hướng đi tiếp theo. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).  

Chị Võ Thị Minh Nga, người sáng lập thương hiệu gạo lứt rẫy Bh.nong, đã tạo ra nhiều sự xúc động cho người xem khi tham gia gọi vốn cho startup của mình trong tập 13 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ”. Là một người trẻ từng rời quê, quyết tâm lập nghiệp trên thành phố lớn và đã từng làm việc trong lĩnh vực báo chí 10 năm trước khi “bỏ phố về quê” khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, chị Nga mong muốn được đồng hành cùng các Shark để nâng cao giá trị hạt gạo lứt rẫy. Chị mong muốn kêu gọi 3 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Bh.nong là một thương hiệu thực phẩm gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số được gieo trồng trên nương rẫy theo cách truyền thống và không dùng các chất hoá học. Trước khi đưa vào canh tác, hạt giống cũng được ủ nảy mầm để tăng thêm giá trị dinh dưỡng. Hiện tại, Bh.nong đang có 3 dòng sản phẩm là trà gạo lứt, bột gạo lứt và bánh gạo lứt.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu của Bh.nong trong năm 2021 là 10 tỷ đồng với biên lợi nhuận 30% (chưa tính đến các chi phí truyền thông, marketing). Dự kiến trong năm 2022 và 2023 doanh thu có thể đạt mốc 15 tỷ đồng và 30 tỷ đồng lần lượt. Chị Thắm cho rằng Bh.nong đang trong giai đoạn tăng trưởng do đó nếu có sự đồng hành của các Shark, Bh.nong có thể phát triển mạnh tại Việt Nam và sau đó xuất khẩu ra thế giới. Hiện tại, Bh.nong có một nhà máy sản xuất rộng 600 mét vuông. Kênh phân phối hiện tại của Bh.nong là B2B thông qua hệ thống hơn 200 nhà phân phối trên cả nước.

Đến đây, Shark Erik đặt ra câu hỏi về nguồn cung của gạo lứt rẫy cho Bh.nong. Chị Thắm cho biết Quảng Nam hiện tại nguồn cung khoảng 600.000 tấn lúa rẫy mỗi năm. Hiện tại, Bh.nong chỉ mới thu mua được 1/20 nguồn nguyên liệu sẵn có. Vì thế, nếu có đủ nguồn lực, Bh.nong hoàn toàn có thể bắt tay với người đồng bào để thu mua và góp phần bảo tồn giống lúa này. Chị Thắm cũng nhấn mạnh điểm đặc biệt về giống lúa này nằm ở việc nó có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt bất chấp các yếu tố từ bên ngoài như địa hình hay thời tiết.

Shark Hùng Anh hỏi Bh.nong về lý do gọi thêm vốn dù biên lợi nhuận đã khá tốt. Chị Thắm chia sẻ rằng việc gọi vốn nhằm mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đồng thời thúc đẩy tăng trưởng doanh thu tăng mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, chị cũng muốn có thêm người đồng hành trên hành trình khởi nghiệp.

Đến đây, Shark Hùng Anh ra quyết định đầu tư 3 tỷ đổi lấy 25% cổ phần công ty. Sau khi đặt một số câu hỏi về tài sản của Bh.nong, Shark Hùng Anh điều chỉnh đề nghị của mình thành 3 tỷ cho 20% cổ phần công ty. Shark Bình trong khi đó không đầu tư do ông tin rằng sẽ có các Shark khác phù hợp hơn đầu tư cho Bh.nong.

Do chưa hiểu rõ cách có thể hỗ trợ được cho startup, Shark Erik cũng không đầu tư. Mặc dù cũng rất thích startup, tuy nhiên do sản phẩm không phù hợp với hệ sinh thái hiện tại, Shark Hưng cho biết ông tạm thời không ra quyết định đầu tư riêng lẻ song ông hoàn toàn có thể sẽ đồng đồng tư cùng các Shark khác. Cuối cùng, Shark Liên đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần.

Mặc dù đưa ra định giá công ty ở mức thấp hơn, Bh.nong vẫn lựa chọn người đồng hành là Shark Hùng Anh. Chị Thắm tin rằng việc cùng là người Miền Trung sẽ giúp Bh.nong và Shark Hùng Anh có sự đồng điệu lớn hơn.

Nam Khánh