|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tạo thư viện 100 năm sử dụng blockchain và AI, một startup Việt bị từ chối đầu tư trên Shark Tank vì mô hình quá 'sớm'

06:51 | 15/08/2022
Chia sẻ
Sản phẩm mới đi vào hoạt động từ tháng 4, các Shark đều cho rằng startup “Thư viện 100 năm” còn quá sớm để gọi vốn.

Chị Nguyễn Châu Linh từ startup “Thư viện 100 năm” tự tin với sự sáng tạo của nền tảng này. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam). 

Trong tập 11 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ”, chị Nguyễn Châu Linh đã giới thiệu startup “Thư viện 100 năm” thuộc doanh nghiệp xã hội “Hành trình kim cương”. Chị Linh cho biết dự án “Thư viện 100 năm” có nhiều mục tiêu trong đó có thể kể đến nâng cao văn hoá đọc người Việt, tiết kiệm chi phí trong công cuộc số hoá tri thức và nâng cao năng lực nhân sự, tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hiểu một cách đơn giản, “Thư viện 100 năm” là một mô hình học tập trọn đời cho người dùng với thư viện sách được biên tập theo nhiều định dạng khác nhau như sách điện tử, sách nói, video… Người dùng cũng có thể đóng góp nội dung cho thư viện dưới sự kiểm soát của đội ngũ chuyên gia. “Thư viện 100 năm” mong muốn kêu gọi 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty.

“Thư viện 100 năm” cho biết dự án này mới chỉ bắt đầu hoàn thành được thư viện trên nền tảng web và app (ứng dụng) bắt đầu từ tháng 4 năm nay để đưa ra thị trường và lấy ý kiến người dùng. Đến thời điểm gọi vốn, doanh thu của “Thư viện 100 năm” đạt được khoảng 100 triệu đồng.

Nguồn doanh thu của “Thư viện 100 năm” đến từ các gói thành viên của người dùng với chi phí từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng một ngày. Bên cạnh đó, “Thư viện 100 năm” cũng có các gói “branding CSR” (thương hiệu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) để cung cấp cho các doanh nghiệp. Thông qua gói này, doanh nghiệp có thể tặng các tài khoản “Thư viện 100 năm” cho khách hàng sử dụng với tên user gắn liền với tên doanh nghiệp.

Khi được hỏi về điểm khác biệt của “Thư viện 100 năm” với các mô hình tương tự, chị Linh tự tinh thứ tạo ra khác biệt chính là sự sáng tạo của “Thư viện 100 năm”. Theo đó, mô hình này có thể thể hiện nội dung sách ở nhiều định dạng khác nhau. Về bản quyền, chị Linh khẳng định “Thư viện 100 năm” vẫn mua bản quyền sách/nội dung nếu việc sử dụng yêu cầu có bản quyền.

Sau khi nghe phần trình bày, Shark Hùng Anh cho rằng “Thư viện 100 năm” không có nhiều điểm khác biệt khó có thể bị sao chép trên thị trường. Do đó, ông quyết định không đầu tư. Đến đây, chị Linh cho biết startup của bà không phải một ứng dụng đơn thuần để thuyết phục mọi người đọc sách. Trong giai đoạn tiếp theo, “Thư viện 100 năm” sẽ áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) để cá nhân hoá lộ trình học tập cho người dùng.

Đến đây, Shark Erik tỏ ra quan tâm đến những gì chị Linh nói song ông cho rằng nếu chỉ để cá nhân hoá lộ trình cho người dùng, startup có thể chỉ cần đến thuật toán thay vì AI. Chị Linh cũng không thể đưa ra các giải thích, chia sẻ chi tiết hơn của mình đối với việc áp dụng AI và blockchain ở giai đoạn tiếp theo. Shark Erik không đầu tư vào “Thư viện 100 năm” với một trong những lý do là ông không đồng ý với lộ trình công nghệ mà startup này đưa ra.

Tương tự, Shark Bình cho biết “Thư viện 100 năm” không thuộc khẩu vị đầu tư của ông do đó ông không đầu tư.

Về phần mình, Shark Hưng cho biết đối với mô hình thư viện số lượng đầu sách là vấn đề quan trọng nhất. Để có được số lượng đầu sách lớn và chất lượng, chi phí đầu tư về bản quyền sẽ cực kỳ lớn. Từ trải nghiệm cá nhân, Shark Hưng cho biết bản thân ông cũng phải cài vài ứng dụng đọc sách do có những ứng dụng chất lượng cao nhưng đầu sách ít và ngược lại. Ở góc độ một nhà đầu tư, Shark Hưng từ chối tham gia đầu tư.

Cuối cùng, Shark Liên cũng ra quyết định không đầu tư do bà cho rằng mô hình  “Thư viện 100 năm” còn quá sớm và còn nhiều điều phải chứng minh.

 

Nam Khánh