|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thuế quan trừng phạt Trung Quốc cản trở Mỹ trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19

08:41 | 14/04/2020
Chia sẻ
Thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump áp lên thiết bị y tế nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã gây thêm khó khăn cho nỗ lực chống đại dịch COVID-19 của Mỹ. Hiện tại, Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với nhiều ca nhiễm và tử vong hơn bất kì quốc gia nào khác.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị kéo vào cuộc chiến thuế quan căng thẳng kể từ năm 2018. Sau nhiều lần trả đũa lẫn nhau, chính phủ Mỹ đã áp thuế quan lên các vật tư y tế thiết yếu từ Trung Quốc, bao gồm quần áo bảo hộ, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), máy chụp CT và mũ y tế dùng một lần.

Chỉ trong 4 tháng từ cuối năm 2019 đại dịch COVID-19 đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Theo dữ liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới, đứng đầu cả về tổng số ca xác nhận nhiễm (hơn 581.000 trường hợp) và tổng số ca tử vong (hơn 23.600 người).

So với các quốc gia có chính sách nhập khẩu thiết bị PPE "linh hoạt hơn", hành động áp thuế quan của chính phủ Mỹ đã "làm suy yếu thêm công tác chuẩn bị và ứng phó với đại dịch của nước này", ông Yanzhong Huang - chuyên gia cao cấp về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, chia sẻ với CNBC.

Đại dịch COVID-19: Mỹ cần Trung Quốc nhưng thuế quan cản đường

Nếu không có thuế quan, Mỹ sẽ "dễ dàng thu mua" thiết bị y tế quan trọng từ Trung Quốc hơn so với nhiều quốc gia khác, ông Huang nói thêm.

CNBC đưa tin, hàng loạt tiểu bang trên khắp nước Mỹ cho biết họ sắp hết giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU), trong khi Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cảnh báo rằng máy thở sẽ sớm cạn kiệt khi nguồn cung của các bệnh viện bị kéo căng.

Khi đại dịch bùng phát dữ dội ở các thành phố và tiểu bang lớn của nước Mỹ, nhân viên y tế cũng chật vật với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ khi số ca bệnh tăng cao đột biến.

Thuế quan trừng phạt Trung Quốc từ hai năm trước cản trở nỗ lực chống đại dịch COVID-19 của nước Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đứng bên cạnh Phó Thủ tướng Lưu Hạc trước khi kí kết thỏa thuận giai đoạn một vào ngày 15/1. (Ảnh: Getty Images)

Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế quan trọng vào tháng 1, thời điểm đại dịch lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước.

Nước này được cho là đã tích lũy một lượng lớn thiết bị bảo hộ cá nhân mà các cơ sở chăm sóc y tế của Mỹ hiện đang "rất cần", bà Susan Shirk - cựu phó trợ lí ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, giáo sư nghiên cứu tại Đại học California San Diego và đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỉ 21 của trường, cho hay.

"Mỹ phải khẩn trương nhập khẩu số thiết bị này, bất kì trở ngại nào trong quá trình nhập khẩu đều khiến thêm nhiều người dân Mỹ phải bỏ mạng vì đại dịch", bà Shirk nói thêm.

Trong một báo cáo trước đó, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc có thể đe dọa làm "tê liệt" cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Mỹ.

Tính đến ngày 13/3, khi báo cáo được công bố, viện chính sách trên nhận thấy khoảng 3,3 tỉ USD sản phẩm y tế quan trọng mà Mỹ nhập từ Trung Quốc vẫn phải chịu thuế suất 7,5%, trong khi 1,1 tỉ USD thuốc có thể điều trị COVID-19 vẫn chịu thuế suất 25%, ngay cả sau khi chính quyền ông Trump đã tạm thời giảm và hoãn một số mức thuế.

"Chính sách thuế quan của chính phủ Mỹ đối với các sản phẩm y tế của Trung Quốc có thể làm căng thẳng thêm tình trạng thiếu hụt và đẩy chi phí thiết bị quan trọng lên cao hơn, ngay tại thời điểm cả nước Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế", ông Chad Bown - tác giả báo cáo trên, nêu rõ.

Ông Bown cho biết chính sách thương mại của ông Trump buộc Bắc Kinh bán phần nhiều sản phẩm y tế sang các nước khác thay vì Mỹ. Một số sản phẩm trong đó bao gồm đồ bảo hộ cho bác sĩ và y tá cũng như thiết bị công nghệ cao để theo dõi tình trạng của bệnh nhân.

Theo dữ liệu của PIIE, khoảng 100 tỉ USD sản phẩm trung gian từ Trung Quốc vẫn phải chịu thuế suất 25% của Mỹ, từ đó làm tăng chi phí linh kiện cho các hãng sản xuất sản phẩm y tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tờ Wall Street Journal có đưa tin, General Motors đã yêu cầu giảm thuế quan đối với một số phụ tùng máy thở có nguồn gốc từ Trung Quốc và vẫn phải chịu thuế suất 25%, nhằm "giảm bớt gánh nặng" khi sản xuất loại thiết bị quan trọng này và hỗ trợ công tác chống dịch của Washington.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ còn đụng độ với hai nguồn cung vật tư y tế quan trọng là EU và Mexico

Ngay từ năm 2018 và 2019, các nhà cung cấp sản phẩm y tế đã cảnh báo về thuế quan đối với vật tư y tế vì thuế quan sẽ đẩy chi phí lên cao và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Khi ông Trump củng cố lập trường thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, Washington có thể đánh mất đi kha khá thời gian và lựa chọn trong cuộc đua chống lại đại dịch COVID-19, CNBC dẫn lời các chuyên gia nhận định.

Ông Robert Zoellick - cựu Chủ tịch World Bank và là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, cho biết đe dọa áp thuế quan của Mỹ với Mexico - nguồn cung PPE và quần áo bảo hộ y tế lớn thứ hai của nước Mỹ, đã khiến chính quyền ông Trump khó mua được hàng hóa từ đó.

"Những lời đe dọa thất thường của ông Trump đã làm suy yếu niềm tin của các nhà sản xuất vào việc xây dựng ngành công nghiệp xuất khẩu của Mexico", ông Zoellick viết trong một bài xã luận trên Wall Street Journal.

Washington cũng có thể vấp phải nhiều khó khăn trong việc thu mua sản phẩm y tế cần kíp từ EU - nguồn cung chính của nước này cho máy chụp X-quang và nước rửa tay, nếu lập trường của ông Trump vẫn giữ vững.

Vào tháng 3, chính quyền ông Trump đã cấm toàn bộ du khách từ EU nhập cảnh vào Mỹ trong 30 ngày, chỉ trích EU không thực hiện các động thái cứng rắn mà Tổng thống Trump cho rằng Mỹ đã làm để kiểm soát "thứ virus nước ngoài".

Sau đó, ông Trump làm rõ rằng lệnh cấm nhập cảnh không áp dụng với thương mại và hàng hóa mặc dù ban đầu ông cho biết chúng có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Kể từ đầu năm nay, hơn 50 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Pháp và Hàn Quốc, đã siết chặt các lệnh hạn chế xuất khẩu vật tư y tế, theo một nghiên cứu mà tổ chức Global Trade Alert hợp tác cùng Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ) thực hiện. Động thái này đã hạn chế nguồn cung vật tư y tế cho Mỹ.

"Chỉ 7 quốc gia đã chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu máy thở dành cho người bệnh nặng. Nếu một trong 7 nước này cấm xuất khẩu, giá sản phẩm có thể tăng tới 10%", ông Zoellick nói.

Vào ngày 3/4, ông Trump cũng đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để cấm xuất khẩu khẩu trang N95, khẩu trang y tế và các thiết bị PPE khác ra nước ngoài.

Tuy nhiên, cấm xuất khẩu PPE không chỉ "chào mời các nước trả đũa" mà còn "làm giảm năng kiểm soát đại dịch của các nước khác" khi họ không thể mua được thiết bị PPE cần thiết, ông Huang của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định.

"Đây là một đại dịch toàn cầu. Thành công cuối cùng của chúng ta trong việc ngăn chặn đại dịch phụ thuộc phần lớn vào thành công của các nước khác. Chúng ta không thể tuyên bố chiến thắng trừ khi các nước khác sạch bóng virus corona", ông Huang nói thêm.

Yên Khê