Thời hạn tín dụng (Credit Period) là gì? Yếu tố ảnh hưởng quyết định
Hình minh hoạ (Nguồn: wallstreetmojo)
Thời hạn tín dụng
Khái niệm
Thời hạn tín dụng trong tiếng Anh được gọi là Credit Period.
Thời hạn tín dụng là khoản thời gian kể từ lúc một khoản tín dụng được cấp cho đến lúc nó được hoàn trả xong. Là độ dài thời gian từ ngày giao hàng đến ngày nhận được tiền bán hàng.
Ví dụ:
Nếu điều kiện bán hàng là "2/10 NET 40" thì thời hạn bán tín dụng là 40 ngày.
Chiết khấu tiền mặt và thời hạn tín dụng chỉ rõ hình thức tín dụng, chẳng hạn một thương vụ bán hàng qui định như sau:
- "2/10 NET 30" nghĩa là tỉ lệ chiết khấu 2% sẽ được áp dụng nếu hoá đơn bán hàng thanh toán trong 10 ngày đầu kể từ ngày giao hàng, đồng thời toàn bộ số tiền bán hàng phải được thanh toán trong vòng 30 ngày.
- "2/10 NET EOM" như trên nhưng tín dụng cho phép 30 ngày đối với các khoản nợ trước cuối tháng.
- "2/COD NET 45" nghĩa là thời hạn tín dụng 45 ngày kể từ khi ghi hoá đơn, nếu trả ngay được giảm 2%.
Khi thời hạn tín dụng tăng đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào các khoản phải thu, nợ khó đòi sẽ tăng lên cao hơn và chi phí thu tiền bán hàng cũng tăng lên.
Nhưng doanh nghiệp sẽ thu hút được nhiều hơn khách hàng mới và doanh số sẽ tăng, lợi nhuận cũng tăng. Vậy, nhà quản trị tài chính có thể tác động đến doanh số bằng cách thay đổi thời hạn tín dụng.
Yếu tố ảnh hưởng quyết định thời hạn
Thời hạn cấp tín dụng tuỳ theo từng ngành kinh doanh và tuỳ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi thiết lập thời hạn tín dụng các doanh nghiệp đều phải xem xét các yếu tố sau:
+ Xác suất về tình trạng khách hàng sẽ không trả tiền: Trong trường hợp khách hàng là những doanh nghiệp thuộc những ngành có rủi ro cao, hay là những doanh nghiệp có vị thế tài chính yếu thì cần áp dụng những điều kiện tín dụng hạn chế nhằm loại bỏ rủi ro.
+ Độ lớn của khoản tín dụng: Đối với những khoản tín dụng có giá trị nhỏ, thì thời gian bán chịu sẽ nhỏ hơn và đây là những giao dịch tốn kém với những khách hàng kém quan trọng.
+ Tính chất đặc trưng của hàng hoá: Nếu hàng hoá có giá trị thấp và thuộc loại mau hỏng thì không nên áp dụng tín dụng thương mại.
+ Nguồn vốn của công ty lớn hay nhỏ, nếu kéo dài thời hạn bán tín dụng công ty sẽ bị chiếm dụng một số vốn lớn cũng như đòi hỏi công ty phải đầu tư một lượng vốn khá lớn vào các khoản phải thu.
+ Số ngày bán tín dụng của đối thủ cạnh tranh: Nếu doanh nghiệp bán tín dụng với thời hạn tín dụng nhỏ hơn đối thủ có thể dẫn đến tình trạng mất khách hàng.
+ Tốc độ tăng lạm phát, lãi suất vay ngân hàng: Nếu doanh nghiệp đầu tư một khoản vốn đầu tư quá lớn, trong điều kiện bất trắc của môi trường bên ngoài mà không dự đoán trước thì sẽ gây thiệt hại cho công ty và khả năng rủi ro rất lớn.
Từ các thông tin trên công ty sẽ xem xét, quyết định có nên mở tín dụng hay không và thời hạn tín dụng được bán với thời hạn bao lâu.
Việc mở rộng thời hạn tín dụng cho khách hàng còn dựa vào việc xác định thời hạn tín dụng tối thiểu và thời hạn tín dụng tối đa.
- Thời hạn tín dụng tối thiểu được xác định dựa trên cơ sở
+ Thời hạn tín dụng của đối thủ cạnh tranh
+ Kì thu tiền bình quân hiện tại của công ty .
+ Chu kì kinh doanh của nhóm khách hàng tốt nhất
- Thời hạn tín dụng tối đa được xác định dựa trên cơ sở
+ Đặc điểm kinh doanh sản phẩm, tiêu dùng sản phẩm
+ Khả năng tài chính của khách hàng
+ Chức năng của khách hàng
- Thời hạn tín dụng tối ưu: giao động giữa thời hạn tín dụng tối thiểu và thời hạn tín dụng tối đa.
(Tài liệu tham khảo: Lí thuyết về chính sách tín dụng, ĐH Duy Tân)