Tạo ý tưởng (Idea Generation) trong công việc là gì? Các kĩ thuật tạo ý tưởng
Tạo ý tưởng
Khái niệm
Tạo ý tưởng trong tiếng Anh là Idea Generation.
Tạo ý tưởng là quá trình hoặc qui trình sáng tạo mà doanh nghiệp sử dụng để tìm ra giải pháp cho các thử thách khó khăn. Qui trình tạo ý tưởng bao gồm việc đưa ra nhiều ý tưởng trong một cuộc thảo luận nhóm, lựa chọn ý tưởng hoặc sáng kiến tốt nhất, hợp tác với nhau để lập kế hoạch thực hiện ý tưởng, và sau đó thực sự áp dụng ý tưởng đó trong thực tế.
Ý tưởng trong nghĩa này có thể hữu hình, như một vật có thể chạm vào hoặc nhìn thấy được, hoặc vô hình, như một khái niệm gì đó mang tính biểu tượng hoặc văn hóa.
Nội dung qui trình lên ý tưởng thông thường
Nhà quản lí chia nhóm nhân viên dưới quyền mình thành các cặp để nghĩ ra ý tưởng nhằm giải quyết vấn đề. Mỗi cặp sẽ đưa ra càng nhiều ý tưởng càng tốt. Sau đó, ý tưởng của tất cả các cặp sẽ được tập hợp lại với nhau, và toàn nhóm sẽ lựa chọn một hoặc một vài ý tưởng tốt nhất trước khi đánh giá chúng dựa trên cơ sở liệu chúng có phù hợp với thực tiễn hay không.
Sau khi có phản hồi từ việc đánh giá, nhóm nhân viên sẽ điều chỉnh ý tưởng theo các thông tin được rút ra, trước khi thực sự thử nghiệm kế hoạch của họ. Cuối cùng, khi đã tự tin vào ý tưởng, nó sẽ được áp dụng trong thực tế.
Cấu trúc này được nhiều doanh nghiệp sử dụng khi đưa ra quyết định, nhưng nó cũng có nhiều biến thể khác nhau. Qui trình này thực sự khá dài, vì một số bước đòi hỏi nhiều thời gian, như tiến hành nghiên cứu, thu thập ý kiến, tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh, thử nghiệm ý tưởng và cải thiện ý tưởng sau khi thử nghiệm.
Các kĩ thuật tạo ý tưởng
Brainstorming: tạm dịch: động não. Kĩ thuật này cũng có nhiều biến thể khác nhau. Phương pháp truyền thống là để các thành viên trong nhóm tự do suy nghĩ và tự nói lên ý của mình khi nghĩ ra được điều gì đó, hoặc viết ý tưởng của mình vào giấy. Phương thức khác có thể là việc đưa ra ý tưởng để đạt được kết quả ngược lại với những gì công ty mong muốn, để có thể nghĩ ra những điều mới mẻ.
Thảo luận sau: Nhóm nhân viên sẽ được cho biết về vấn đề cần giải quyết, và sau đó họ lại quay trở lại làm những công việc khác, để cho vấn đề và các ý tưởng khả dĩ dần thấm vào trong tâm trí họ.
Story boarding: minh họa vấn đề bằng hình ảnh để tăng tính trực quan giúp cho việc sáng tạo ra ý tưởng và giải pháp cho vấn đề.
Đóng vai: nhằm khuyến khích nhân viên chủ động và tích cực tham gia giải quyết vấn đề, nhà quản lí có thể yêu cầu nhân viên diễn một kịch bản cụ thể.
Xây dựng dựa trên lí thuyết: dựa vào một lí thuyết hoặc khái niệm có sẵn và tìm một cách tiếp cận mới. Ví dụ, một nhân viên có thể nêu ra một mô hình về dịch vụ khách hàng và sửa đổi mô hình đó, để tìm ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới.
Đặt nghi vấn cho các giả định: yêu cầu nhóm nhân viên thật sự cân nhắc các giả định về những điều thông thường trong hoạt động kinh doanh, đưa ra những câu hỏi làm nổi bật vấn đề, và đôi khi có thể thay đổi cách tiếp cận của doanh nghiệp.
(Theo study.com)