Tài khoản kế toán ngân hàng (Bank Accounting Account) là gì? Phân loại
Hình minh họa (Nguồn: Diabetesportal.hu)
Tài khoản kế toán ngân hàng (Bank Accounting Account)
Khái niệm
Tài khoản kế toán ngân hàng trong tiếng Anh gọi là Bank Accounting Account.
Tài khoản kế toán ngân hàng là phương pháp kế toán dùng để phân loại và hệ thống hoá các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo nội dung kinh tế.
Mỗi tài khoản mở theo đối tượng kế toán cụ thể, có nội dung kinh tế riêng biệt. Vì vậy, tên gọi tài khoản, số lượng tài khoản cần mở, nội dung phản ánh của từng tài khoản do nội dung kinh tế của đối tượng kế toán và yêu cầu quản lí qui định.
Phân loại tài khoản kế toán ngân hàng
Kế toán ngân hàng có 3 cách phân loại tài khoản chủ yếu
Phân loại tài khoản theo nội dung kinh tế: Là việc sắp xếp các nhóm tài khoản theo mối quan hệ hai chiều là tài sản và nguồn vốn. Giúp nắm rõ bản chất của tài khoản phản ánh nghiệp vụ phát sinh.
Theo cách phân loại này, tài khoản kế toán ngân hàng được phân thành:
- Tài khoản thuộc nguồn vốn - nghiệp vụ bên nợ: Là các tài khoản phản ánh nghiệp vụ nguồn vốn của Ngân hàng. Tính chất của các tài khoản thuộc tài sản nợ là dư có.
- Tài khoản thuộc tài sản - nghiệp bên có: Là các tài khoản phản ánh hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng. Tính chất của các tài khoản này là dư nợ.
- Tài khoản lưỡng tính: Loại tài khoản này chia thành hai nhóm: Tài khoản có thể dư nợ có thể dự có và tài khoản vừa có số dư nợ, vừa có số dư có trong cùng một thời điểm, khi lên cân đối tài khoản vẫn để hai số dư, không được bù trừ cho nhau.
Phân loại tài khoản theo mối liên hệ với bảng cân đối kế toán
Theo cách phân loại này tài khoản kế toán ngân hàng được phân thành tài khoản trong bảng cân đối (tài khoản nội bảng) và tài khoản ngoài bảng cân đối (tài khoản ngoại bảng).
- Tài khoản trong bảng cân đối kế toán: Phản ánh tài sản nguồn vốn của bản thân ngân hàng hoặc ngân hàng được quyền chiếm hữu, sử dụng theo pháp luật trong một thời hạn nhất định.
Sự vận động của những tài sản và nguồn vốn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới qui mô hoặc cơ cấu tài sản nguồn vốn của ngân hàng. Khi phản ánh hoạt động của những tài khoản phải áp dụng phương pháp ghi sổ kép.
- Tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán: Phản ánh những tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ngân hàng (tài sản giữ hộ, tạm giữ...), các nghiệp vụ chưa tác động ngay đến nguồn vốn và tài sản của ngân hàng (các cam kết, hợp đồng, theo dõi các chứng từ thanh toán trong thời gian chưa thanh toán, các giấy tờ ấn chỉ chưa sử dụng..).
Tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán áp dụng phương pháp ghi sổ đơn (Nợ - Có) nên không đòi hỏi cân bằng phương pháp kế toán. Tuy nhiên, khác với kế toán doanh nghiệp đây cũng là những đối tượng kế toán mà kế toán ngân hàng phải đặc biệt quan tâm theo dõi và phản ánh.
Phân loại theo mức độ tổng hợp và chi tiết
- Tài khoản tổng hợp: Dùng để phản ảnh một cách tổng hợp hoạt động ngân hàng theo những chỉ tiêu nhất định nhằm cung cấp thông tin kinh tế, tài chính phục vụ chỉ đạo thực thi chính sách tiền tệ và chỉ đạo hoạt động kinh doanh ngân hàng, đồng thời là chỉ tiêu để lập bảng cân đối tài khoản kế toán ngân hàng.
- Tài khoản phân tích (còn gọi là tiểu khoản): Dùng để phản ánh ghi chép sự vận động của từng đối tượng kế toán cụ thể. Đối với bộ phận tài khoản giao dịch thì tiểu khoản dùng để phản ảnh hoạt động tiền gửi, tiền vay của từng khách hàng có quan hệ với ngân hàng.
Đối với bộ phận tài khoản nội bộ thì tiểu khoản dùng để phản ảnh chi tiết từng loại tài sản, từng mặt nghiệp vụ cụ thể của bản thân ngân hàng.
(Tài liệu tham khảo, Sách chuyên khảo Kế toán Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Tài Chính)