Tài khoản bảo hiểm FDIC (FDIC Insured Account) là gì? Đặc điểm
Ảnh minh họa. Nguồn: Federal Deposit Insurance Corporation.
Tài khoản bảo hiểm FDIC
Khái niệm
Tài khoản bảo hiểm FDIC trong tiếng Anh là FDIC Insured Account.
Tài khoản bảo hiểm FDIC là một tài khoản ngân hàng hoặc tiết kiệm được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC), một cơ quan liên bang độc lập chịu trách nhiệm bảo vệ tiền gửi của khách hàng trong trường hợp ngân hàng phá sản.
Số tiền bảo hiểm tối đa trong tài khoản đủ điều kiện là 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền, cho mỗi ngân hàng được bảo hiểm FDIC và mỗi danh mục sở hữu. Điều đó có nghĩa là nếu bạn có tới con số đó trong tài khoản ngân hàng và ngân hàng đó phá sản, FDIC sẽ hoàn trả mọi tổn thất mà bạn phải chịu. Bất kì khoản tiền nào vượt quá 250.000 USD nên được phân chia đều giữa nhiều ngân hàng được bảo hiểm FDIC.
Đặc điểm của Tài khoản bảo hiểm FDIC
Để hiểu rõ cách hoạt động của FDIC, chúng ta cần phải hiểu cách thức hoạt động của hệ thống tiết kiệm và cho vay hiện đại. Tài khoản ngân hàng hiện đại không giống như một hộp tiền gửi an toàn, tiền gửi không đi vào một ngăn kéo cá nhân để chờ cho đến khi rút tiền trong tương lai. Thay vào đó, các ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản người gửi để thực hiện các khoản vay mới vì họ muốn tạo doanh thu từ tiền lãi.
Chính phủ liên bang yêu cầu hầu hết các ngân hàng chỉ giữ 10% tổng số tiền gửi trong tay, nghĩa là 90% còn lại có thể được sử dụng để thực hiện các khoản vay. Nói cách khác, nếu bạn đã gửi một khoản tiền gửi ngân hàng 1.000 USD, trên thực tế, ngân hàng của bạn có thể lấy 900 USD từ khoản tiền gửi đó và sử dụng nó để tài trợ cho khoản vay mua ô tô hoặc thế chấp nhà.
Loại ngân hàng này được gọi là "ngân hàng dự trữ một phần", vì chỉ một phần nhỏ trong tổng số tiền gửi được giữ làm dự trữ tại ngân hàng. Ngân hàng dự trữ một phần tạo ra them thanh khoản trên thị trường vốn và giúp giữ lãi suất thấp, nhưng nó cũng có thể tạo ra một môi trường ngân hàng không ổn định.
Khách hàng của ngân hàng có thể đồng thời yêu cầu trả lại hơn 10% số tiền của họ bất cứ lúc nào. Khi quá nhiều người gửi tiền yêu cầu trả lại tiền của họ, hay còn gọi là hiện tượng "rút tiền hàng loạt", ngân hàng phải từ chối một số khách hàng. Những người gửi tiền khác có thể mất niềm tin và cũng yêu cầu trả lại tiền của họ, vì sợ họ sẽ không thể lấy lại tiền tiết kiệm của mình. Thông thường, điều này có thể tạo ra một hiệu ứng giống như lây lan sang các ngân hàng khác, gây ra sự hoảng loạn trong hệ thống ngân hàng.
Ví dụ về Tài khoản bảo hiểm FDIC
FDIC đảm bảo tiền gửi lên tới 250.000 USD cho mỗi tài khoản. Đối với các tài khoản đồng sở hữu, mỗi người đồng sở hữu nhận được toàn bộ số tiền bảo vệ lên tới 250.000 USD. Cùng với nhiều lợi ích khác của tài khoản chung, một cặp vợ chồng hoặc đối tác có tài khoản đồng sở hữu với 500.000 USD tiền gửi sẽ được bảo vệ hoàn toàn.
Nhiều tài khoản được giữ trong cùng một ngân hàng dưới cùng tên một chủ tài khoản được thêm vào với mục đích xác định số tiền gửi được bảo hiểm, do đó, một người có hai tài khoản tại cùng một ngân hàng có tổng trị giá 300.000 USD sẽ có 50.000 USD là không được bảo vệ.
Tuy nhiên, giới hạn tiền gửi khác nhau đối với từng ngân hàng, ngay cả đối với cùng một chủ sở hữu. Giả sử John H. Doe có 200.000 USD tại Ngân hàng A và thêm 150.000 USD tại Ngân hàng B. Mặc dù tổng số tiền gửi của ông vượt quá 250.000 USD, ông vẫn được coi là bảo hiểm đầy đủ, miễn là cả hai ngân hàng đều được bảo hiểm FDIC.
Nếu ông Doe chuyển 150.000 USD cho Ngân hàng A, ông sẽ mất bảo hiểm đối với số tiền 100.000 USD vì tổng số tiền gửi của ông tại Ngân hàng A hiện là 350.000 USD. Bảo hiểm tiền gửi như vậy mang lại lợi ích cho người tiết kiệm ở chỗ họ chỉ cần lo lắng về việc tìm mức lãi suất tốt nhất trên tài khoản tiết kiệm thay vì việc liệu tiền của họ có an toàn hay không.
(Theo Investopedia)