|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sản phẩm bảo hiểm (Insurance products) là gì? Phân loại và đặc điểm

11:16 | 19/09/2019
Chia sẻ
Như một thành tố của thị trường bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm (tiếng Anh: Insurance products) là "thứ" mà các doanh nghiệp bảo hiểm bán trên thị trường.
insurance

Hình minh hoạ (Nguồn: traveltalesfromindia)

Sản phẩm bảo hiểm

Khái niệm

Sản phẩm bảo hiểm trong tiếng Anh được gọi là insurance products.

Như một thành tố của thị trường bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm là "thứ" mà các doanh nghiệp bảo hiểm bán trên thị trường. 

Đó là cam kết, lời hứa của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đảm bảo quyền lợi được chi trả hay bồi thường cho khách hàng bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. 

Phân tích ở phạm vi hẹp, sản phẩm bảo hiểm chính là những bảo đảm, những lợi ích cơ bản mà khách hàng có thể nhận được khi mua bảo hiểm. 

Ở phạm vi rộng hơn, sản phẩm bảo hiểm phải bao gồm tất cả những quyền lợi mà người mua có thể nhận được trong quá trình marketing chứ không đơn thuần chỉ là những gì nhận được từ doanh nghiệp bảo hiểm, kể cả những lợi ích không cam kết trong hợp đồng bảo hiểm, chẳng hạn như các dịch vụ chăm sóc khách hàng. 

Dù ở phạm vi rộng hay hẹp, sản phẩm bảo hiểm trong nền kinh tế là một sản phẩm dịch vụ.

Phân loại

Có khá nhiều tiêu thức dùng để phân loại các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường

Theo lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. 

- Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vưc kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bao gồm các sản phẩm bảo hiểm tử , sinh , hỗn hợp, trả tiền định ... 

- Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ, tai nạn con người; bảo hiểm hàng không, bảo hiểm xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ; bảo hiểm nông nghiệp... 

Trong từng nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm còn có thể phân nhóm sản phẩm bảo hiểm nhỏ hơn cho phù hợp với mục đích kinh doanh và quản

Chẳng hạn, trong nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có thể phân nhóm nhỏ thành các sản phẩm có tham gia chia lãi và các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không tham gia chia lãi. 

Theo nhóm khách hàng, trên thị trường bảo hiểm có thể có các sản phẩm bảo hiểm dành cho các cá nhân (ví dụ như bảo hiểm xe máy, bảo hiểm nhà tư nhân), sản phẩm bảo hiểm dành cho các tổ chức (ví dụ như bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ sử dụng lao động đối với người lao động) và sản phẩm bảo hiểm vừa đáp ứng cho nhu cầu cá nhân đồng thời đáp ứng cho nhu cầu của các tổ chức. 

Cách phân loại này giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức hoạt động marketing tốt hơn để đưa sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng. 

Theo vai trò sản phẩm, có thể có sản phẩm bảo hiểm chính và sản phẩm bảo hiểm phụ (còn gọi là sản phẩm bổ trợ hay sản phẩm bổ sung). 

Sản phẩm bảo hiểm chính có hiệu lực bảo hiểm độc lập (Ví dụ: bảo hiểm cháy) trong khi hiệu lực bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm phụ (ví dụ như bảo hiểm gián đoạn kinh doanh sau cháy) tồn tại với điều kiện là khách hàng bảo hiểm đã mua sản phẩm bảo hiểm chính. 

Đặc điểm

- Đặc điểm của một sản phẩm dịch vụ

Khi xem xét đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm, trước hết phải kể đến các đặc điểm chung của một sản phẩm dịch vụ như tính vô hình, tính không thể tách rời và không thể cất trữ được, tính không đồng nhất và tính không được bảo hộ bản quyền. 

Chẳng hạn, với đặc điểm không được bảo hộ bản quyền, các sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau trên thị trường tương đối giống nhau, nếu không muốn nói là hoàn toàn giống nhau. 

Khi khách hàng muốn mua bảo hiểm cháy, thật khó phân biệt nội dung đơn bảo hiểm cháy (các rủi ro được bảo hiểm, các trường hợp loại trừ, các qui định khi khiếu nại đòi bồi thường,...) của các doanh nghiệp bảo hiểm

Điểm khác nhau để phân biệt chỉ có thể là tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm; màu sắc loại giấy hay bao gói của bản hợp đồng bảo hiểm. 

- Đặc điểm "không mong đợi"

Ngoài các đặc điểm của một sản phẩm dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm còn có các đặc điểm riêng khác. Sản phẩm bảo hiểm được coi là sản phẩm "không mong đợi". 

Có nghĩa là, khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu được bảo vệ của mình nhưng không mong muốn rủi ro xảy ra với mình để được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường hay trả tiền bảo hiểm. 

- Chu trình sản xuất kinh doanh đảo ngược

Sản phẩm bảo hiểm còn là sản phẩm của "chu trình sản xuất kinh doanh đảo ngược". Khi xác định phí bảo hiểm (giá cả của sản phẩm bảo hiểm), doanh nghiệp bảo hiểm phải dựa trên những số liệu ước tính về các chi phí có thể phát sinh trong tương lai như chi bồi thường (chi trả tiền bảo hiểm), chi hoa hồng, chi tái bảo hiểm,... 

Đặc biệt, chi bồi thường/chi trả bảo hiểm (chiếm phần lớn trong tổng chi bảo hiểm) lại được xác định chủ yếu dựa trên số liệu thống kê quá khứ và các ước tính tương lai về tần suất và qui mô tổn thất chứ không phải dựa vào chi phí thực tế của sản phẩm. 

Qui trình này ngược lại với qui trình sản xuất kinh doanh các sản phẩm thông thường. 

- Tính hiệu quả "xê dịch"

Đặc điểm riêng tiếp theo của sản phẩm bảo hiểm là tính hiệu quả "xê dịch" của sản phẩm. Điều này có nghĩa là trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm khó có thể xác định được ngay tại thời điểm sản phẩm được bán. 

Ngược lại, đối với khách hàng bảo hiểm, hiệu quả từ việc mua sản phẩm bảo hiểm cũng mang tính "xê dịch" -  không xác định. Bởi vì, không phải khách hàng nào tham gia bảo hiểm cũng được nhận số tiền chi trả từ doanh nghiệp bảo hiểm (trừ trường hợp mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mang tính tiết kiệm). 

Chính vì có những đặc điểm chung và riêng này nên có thể coi sản phẩm bảo hiểm là một sản phẩm dịch vụ "đặc biệt". Các đặc điểm này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải nỗ lực rất nhiều để làm cho khách hàng hiểu, nhận biết và mua sản phẩm bảo hiểm của mình.

(Tài liệu tham khảo: Bảo hiểm thương mại, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.