|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chấp nhận rủi ro thụ động (Passive Acceptance of Risk) là gì? Nguyên nhân

23:13 | 18/09/2019
Chia sẻ
Chấp nhận rủi ro thụ động (tiếng Anh: Passive Acceptance of Risk) là cách quản lí rủi ro gắn liền với thái độ không có sự chuẩn bị trước hoặc chuẩn bị không đầy đủ cho việc khắc phục hậu quả rủi ro.
bigstock-Risk-Assessment-82381268

Hình minh hoạ (Nguồn: torresprotectiongroup)

Chấp nhận rủi ro thụ động 

Khái niệm

Chấp nhận rủi ro thụ động trong tiếng Anh được gọi là passive acceptance of risk.

Chấp nhận rủi ro thụ động là cách quản rủi ro gắn liền với thái độ không có sự chuẩn bị trước hoặc chuẩn bị không đầy đủ cho việc khắc phục hậu quả rủi ro. 

Nguyên nhân

Nhìn chung, thái độ này có thể là do chủ thể gặp rủi ro có nhận thức rất hạn chế về rủi ro và quản trị rủi ro; hoặc có thể do khả năng tài chính không đủ để thực hiện các biện pháp khác tốt hơn. 

Chấp nhận rủi ro thụ động thường thể hiện qua việc tham gia cách có ý thức vào một hoạt động nhưng không nhận thức được hoạt động đó có thể gặp rủi ro; hoặc tin tưởng một cách thiếu hiểu biết là hoạt động đó không có rủi ro; hoặc đôi khi có nhận thức được rủi ro từ hoạt động nhưng lại đánh giá quá thấp mức độ tổn thất có thể đối mặt.

Ví dụ: Công ty dược phẩm A sản xuất ra một loại thuốc và cũng nhận thấy rằng họ có thể đối mặt với rủi ro phải bồi thường cho những bệnh nhân dùng loại thuốc này do tác dụng phụ quá mức so với cảnh báo. 

Tuy nhiên, họ lại đánh giá là số trường hợp khiếu kiện trách nhiệm sẽ không nhiều và dự tính mức tổn thất phải bồi thường cho những bệnh nhân khiếu kiện là không đáng kể. Do đó, khi mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm họ chỉ mua với mức phí tương ứng với mức tổn thất trách nhiệm mà họ dự tính phải đền bù. 

Khi xảy ra khiếu kiện về trách nhiệm sản phẩm, mức phán quyết bồi thường của tòa án lớn hơn nhiều so với mức mà công ty dược phẩm này đánh giá. 

Công ty bảo hiểm chỉ đảm nhận bồi thường tương ứng với phần tổn thất trách nhiệm mà công ty dược này đã ước tính và mua bảo hiểm. Còn phần vượt quá chính là phần rủi ro mà họ giữ lại một cách thụ động vì không chuẩn bị ngân quĩ để bổi thường cho các tổn thất trách nhiệm vượt quá này.

Cách tài trợ tổn thất

Khi chấp nhận rủi ro thụ động, cách tài trợ tổn thất thường thấy là dựa vào cứu trợ, giúp đỡ tài chính hoặc đi vay mượn. 

Đối với các doanh nghiệp, đôi khi họ lấy từ chính doanh thu hiện tại để bù đắp cho tổn thất giữ lại thụ động và sẽ làm giảm lợi nhuận trong năm có tổn thất.

Chấp nhận rủi ro một cách thụ động rõ ràng không phải là biện pháp tốt ngay từ bản chất "thụ động" của nó. Một khi tổn thất đã xảy ra thì người gánh chịu tổn thất cần có ngay một khoản tiền để bù đắp và khắc phục khó khăn tài chính, và thậm chí để hạn chế được các tổn thất có thể phát sinh thêm. 

Song, việc đi vay mượn hay chờ nhận cứu trợ khó có thể đáp ứng được điều này. Hơn thế nữa, các khoản tiền đi vay mượn hay nhận được từ cứu trợ trong nhiều trường hợp không thể trang trải, bù đắp được cho tổn thất phải gánh chịu. 

Bởi vì, vay mượn, theo một cách nào đó được coi là chuyển giao rủi ro từ một người sang một người khác hoặc sang một nhóm nhỏ chưa đủ đảm bảo số lớn. 

Còn cứu trợ chỉ là nguồn tài chính được huy động dựa vào sự hảo tâm của người khác nên khoản tiền có được có đủ bù đắp tổn thất mà một người phải gánh chịu hay không là không chắc chắn.

(Tài liệu tham khảo: Bảo hiểm thương mại, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi