|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quĩ dự phòng nghiệp vụ là gì? Sự cần thiết của quĩ dự phòng nghiệp vụ

09:51 | 13/01/2020
Chia sẻ
Quĩ dự phòng nghiệp vụ được thiết lập nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết với khách hàng mà các doanh nghiệp bảo hiểm còn “nợ” và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Quĩ dự phòng nghiệp vụ (Professional Reserve Fund) là gì? Sự cần thiết và các loại quĩ dự phòng nghiệp vụ trong doanh nghiệp bảo hiểm - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: bizlawyer.vn)

Quĩ dự phòng nghiệp vụ

Khái niệm

Quĩ dự phòng nghiệp vụ tạm dịch trong tiếng Anh là Professional Reserve Fund.

Quĩ dự phòng nghiệp vụ là khoản dự trữ liên quan đến từng nghiệp vụ bảo hiểm, được trích lập và hạch toán vào chi phí kinh doanh nhằm mục đích thanh toán các trách nhiệm đã được xác định trước và phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

Việc thiết lập các quĩ dự phòng nghiệp vụ không chỉ là yêu cầu có tính chất kĩ thuật bảo hiểm mà còn là sự bắt buộc mang tính pháp lí đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Sự bắt buộc này góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời tạo điều kiện để tập trung nguồn vốn đầu tư. Đây là sự bắt buộc chung đối với tất cả các loại hình bảo hiểm.

Sự cần thiết của quĩ dự phòng nghiệp vụ

Sau khi kí kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã có trong tay một khoản tiền nhất định từ phí bảo hiểm. Nhưng họ không được coi khoản tiền này là nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, mà phải luôn xác định đó là khoản nợ với khách hàng.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập các quĩ dự phòng nghiệp vụ. Việc lập quĩ dự phòng nghiệp vụ nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết với khách hàng mà doanh nghiệp còn nợ.

Phần phí dự phòng được sử dụng trước hết là để bồi thường cho những tổn thất đã xảy ra nhưng chưa thanh toán và những tổn thất có thể xảy ra. Bởi vì khi sự kiện bảo hiểm phát sinh, ít khi được thanh toán ngay lập tức, mà thường sau một thời gian nhất định, có thể kéo dài trong nhiều niên độ tài chính. 

Các hợp đồng được thiết lập không phải trong cùng một lúc, thời gian hiệu lực của hợp đồng cũng khác nhau, vì vậy, các khoản dự phòng buộc phải được thiết lập.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải tính đến những khoản chi trả lớn nằm ngoài dự kiến, bởi vì những thiệt hại rủi ro gây ra là không biết trước được, và dự phòng bồi thường chỉ được xác định một cách tương đối thông qua thống kê, đánh giá. Khoản tiền chi trả này không thể lấy từ đâu khác ngoài phần phí bảo hiểm đã thu.

Các loại quĩ dự phòng trong doanh nghiệp bảo hiểm

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

• Dự phòng phí: đảm bảo cho những rủi ro và chi phí chung liên quan đến rủi ro chưa xảy ra và có thể xảy ra kể từ ngày khóa sổ niên độ tài chính đến ngày kết thúc kì hạn của các hợp đồng bảo hiểm.

• Dự phòng bồi thường: được trích lập do sự sai lệch giữa thời điểm xảy ra tổn thất và thời điểm thanh toán bồi thường được thực hiện.

• Dự phòng dạo động lớn: nhằm khắc phục những tổn thất lớn nằm ngoài dự kiến xảy ra mà tổng phí giữ lại trong năm tài chính, sau khi đã trích lập dự phòng phí và dự phòng bồi thường, không đủ để chi trả bồi thường phần trách nhiệm giữ lại của bảo hiểm doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

• Dự phòng toán học: là khoản chênh lệch giữa giá trị hiện tại các cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm và của người tham gia bảo hiểm.

• Dự phòng phí chưa được hưởng: chỉ áp dụng với những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn dưới một năm, tương tự như trong bảo hiểm phi nhân thọ.

• Dự phòng chi trả: được trích lập để chi trả cho những sự kiện bảo hiểm đã xảy ra nhưng chưa được thanh toán.

• Dự phòng chia lãi: dự phòng này được lập cho những hợp đồng có cam kết chia lãi và lãi chia được tích lũy qua các năm hợp đồng bảo hiểm.

• Dự phòng bảo đảm cân đối: được trích lập bảo đảm chi trả cho khách hàng ở những năm có sự biến động lớn về tỉ lệ tử vong.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh bảo hiểm, NXB ĐH Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng