Quá trình chính sách kinh tế - xã hội (Public policy process) là gì? Nội dung
Quá trình chính sách kinh tế - xã hội
Khái niệm
Quá trình chính sách kinh tế - xã hội hay chu trình chính sách công trong tiếng Anh được gọi là Public policy process.
Toàn bộ quá trình từ lúc xây dựng, ban hành, tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát việc thực hiện một chính sách kinh tế - xã hội cho đến khi hoàn thành việc thực hiện chính sách đó gọi là một quá trình chính sách kinh tế - xã hội.
Nội dung
Với đặc trưng riêng của mình, quá trình chính sách kinh tế - xã hội được thực hiện với những công việc cơ bản sau:
1. Hoạch định chính sách, bao gồm những nội dung:
- Phân tích và nêu sáng kiến về các vấn đề chính sách
- Cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc xây dựng chính sách để giải quyết vấn đề, ra quyết định về xây dựng chính sách và trao cho những người, những cơ quan xây dựng dự thảo chính sách
- Những nhà phân tích chính sách tiến hành phân tích vấn đề, phân tích mục tiêu, phân tích giải pháp để lựa chọn phương án chính sách tối ưu.
- Xây dựng dự thảo chính sách để đệ trình lên cơ quan có thẩm quyền
- Đệ trình dự thảo chính sách lên cơ quan (người) có quyền ra quyết định chính sách
- Xem xét, đánh giá dự thảo chính sách
- Thông qua (quyết định) chính sách
- Thể chế hoá chính sách bằng văn bản qui phạm pháp luật
2. Tổ chức các hình thái cơ cấu để thực hiện chính sách:
- Tổ chức bộ máy thực thi chính sách
- Tổ chức các nguồn lực và thời gian để thực thi chính sách (xây dựng các chương trình, dự án để đưa chính sách vào thực tế)
- Ban hành các văn bản pháp qui để cụ thể hoá các chính sách từ trung ương đến địa phương
- Tập huấn cho cán bộ và những đối tượng cơ bản của chính sách
3. Chỉ đạo thực hiện chính sách thông qua các kênh truyền tải:
- Huy động sự vận hành của hệ thống thông tin và truyền thông
- Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án
- Vận hành các ngân sách
- Phối hợp các ngành, địa phương, các tổ chức
- Giải quyết mâu thuẫn giữa các bên liên quan
- Phát triển hệ thống sự nghiệp và dịch vụ
4. Kiểm soát sự thực hiện chính sách:
- Tổ chức kiểm soát thường xuyên và định kì thông qua hệ thống kiểm soát của Nhà nước
- Thiết lập hệ thống thông tin phản hồi
- Tổ chức nghiên cứu điều tra xã hội học
- Đánh giá chính sách
- Điều chỉnh những bất hợp lí gắn liền với chính sách
- Đưa ra các sáng kiến hoàn thiện, đổi mới chính sách.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Thị Lệ Thuý, TS. Bùi Thị Hồng Việt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Tài chính, 2012)