Phương pháp tâm lí - xã hội trong doanh nghiệp là gì?
Phương pháp tâm lí - xã hội
Khái niệm
Phương pháp tâm lí - xã hội trong tiếng Anh gọi là: Social and psychological method.
Phương pháp tâm lí – xã hội là việc hướng những quyết định của doanh nghiệp đến người lao động nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lí, tình cảm của con người.
Đặc điểm
Phương pháp tâm lí – xã hội ngày càng được áp dụng rộng rãi và phổ biến trong điều hành doanh nghiệp.
Sử dụng phương pháp này đòi hỏi người giám đốc doanh nghiệp phải đi sâu tìm hiểu để thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, sở trường, sở đoản của người lao động. Trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với họ, đảm bảo phát huy hết tài năng, trí tuệ của họ.
Trong nhiều trường hợp, do được phân công, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường của họ mà họ làm việc hăng say và năng suất cao hơn nhiều so với động viên về kinh tế.
Người lao động vốn mong muốn được công nhận và khen ngợi, không thích chê; vốn thích được thưởng mà không muốn bị phạt.
Chính vì vậy, sử dụng một cách hữu hiệu phương pháp tâm lí – xã hội sẽ cho phép tạo bầu không khí lao động thoải mái, thân thiện, gắn bó với nhau, thi đua không ngừng vì lợi ích của tập thể trên lợi ích của cá nhân mình.
Phương pháp tâm lí - xã hội là một trong những phương pháp chủ yếu sử dụng trong điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp.
Điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp chính là hệ thống những tác động của chủ thể quản trị đối với đối tượng bị quản trị trong thời gian ngắn hạn để dẫn dắt hoạt động của cả doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chung trong trung hạn và dài hạn.
Như vậy, thực chất của điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp là việc tổ chức, chỉ đạo triển khai hệ thống sản xuất đã được thiết kế nhằm biến các mục tiêu dự kiến, các kế hoạch sản xuất sản phẩm, dịch vụ thành hiện thực.
Cũng như mọi hoạt động chỉ đạo sản xuất kinh doanh, khi điều hành tác nghiệp doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp nên sử dụng các phương pháp để điều khiển, chỉ huy, chỉ đạo thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở lịch trình sản xuất, kế hoạch tác nghiệp đã xây dựng.
Có nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp kinh tế; phương pháp tổ chức, hành chính; phương pháp giáo dục; phương pháp tâm lí xã hội; …, phương pháp kết hợp. Tuỳ theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, giám đốc doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp nêu trên sao cho có hiệu quả nhất.
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức và điều hành doanh nghiệp, TS. Trần Văn Hùng, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)