|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp phát triển tư duy (Group brainstorming) là gì? Cách thức và qui tắc thực hiện

17:01 | 03/06/2020
Chia sẻ
Phương pháp phát triển tư duy (tiếng Anh: Group brainstorming) được thực hiện trên cơ sở áp dụng một quá trình tạo ý tưởng, khuyến khích cá nhân nêu ra ý kiến của mình về khả năng lựa chọn hoặc giải quyết vấn đề.
Phương pháp phát triển tư duy là gì? Cách thức và qui tắc thực hiện - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: uxdesign)

Phương pháp phát triển tư duy

Khái niệm

Phương pháp phát triển tư duy hay còn gọi là Phương pháp động não trong tiếng Anh được gọi là Group brainstorming.

Phương pháp phát triển tư duy là một trong những phương pháp ra quyết định nhóm tốt nhất có thể áp dụng vì chúng hạn chế đến mức tối đa những hạn chế của các nhóm tương tác trực diện, đó là thường gây áp lực để buộc các thành viên nhóm phải tuân thủ quan điểm chung.

Phương pháp phát triển tư duy được thực hiện trên cơ sở áp dụng một quá trình tạo ý tưởng, khuyến khích cá nhân nêu ra ý kiến của mình về khả năng lựa chọn hoặc giải quyết vấn đề, bất kể khả năng hay cách giải quyết vấn đề đó là tốt hay chưa tốt.

Theo phương pháp này, trong cuộc họp hoặc thảo luận, lãnh đạo nhóm nêu vấn đề một cách rõ ràng sao cho tất cả những người tham gia đều hiểu. 

Với một khoảng thời gian cho trước, các thành viên nêu ra càng nhiều ý kiến càng tốt. Không ai được phép phê phán, và tất cả những ý kiến nêu ra đều được ghi lại để sau đó bàn luận và phân tích.

Cách thức thực hiện

Cách thức thực hiện phương pháp phát triển tư duy như sau:

- Tập hợp một nhóm;

- Thông báo rõ vấn đề và mục đích cần giải quyết;

- Các thành viên trong nhóm đưa ra ý kiến một cách tự do; 

- Các ý tưởng đều được tôn trọng và ghi chép lại;

- Xem xét để lựa chọn ý tưởng khả thi và thực hiện. 

Qui tắc thực hiện

Qui tắc thực hiện phương pháp động não:

- Số lượng các ý tưởng quan trọng hơn chất lượng của ý tưởng; 

- Không được phép phê phán khi người khác đưa ra ý kiến;

- Những ý tưởng mới lạ cần phải được khuyến khích;

- Ý kiến mới có thể được phát triển trên cơ sở ý kiến trước;

- Khuyến khích mọi người tham gia chứ không bắt buộc.

Quyết định nhóm

Khi nhóm được hình thành và đi vào hoạt động có rất nhiều vấn đề cần phải ra quyết định. Tùy thuộc vào tính chất công việc, tính cấp thiết của việc ra quyết định, quyền hạn, trách nhiệm của các thành viên trong nhóm mà quyết định có thể là quyết định cá nhân hay quyết định tập thể (quyết định nhóm). 

So với quyết định cá nhân, quyết định nhóm cũng có những ưu, nhược điểm nhất định. Để đảm bảo tính hiệu quả của các quyết định nhóm, qui trình ra quyết định cần được thực hiện chặt chẽ trên cơ sở những phương pháp hợp lí.

(Tài liệu tham khảo: Cơ sở của hành vi nhóm, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi