|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tính liên kết nhóm là gì? Mối quan hệ giữa tính liên kết và năng suất nhóm

15:45 | 03/06/2020
Chia sẻ
Tính liên kết nhóm là mức độ mà các thành viên gắn kết với nhau. Tính liên kết này sẽ ảnh hưởng đến năng suất của nhóm.
Tính liên kết nhóm là gì? Mối quan hệ giữa tính liên kết và năng suất nhóm - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: ringcentral)

Tính liên kết nhóm

Khái niệm

Tính liên kết nhóm là mức độ mà các thành viên gắn kết với nhau. Tính liên kết ảnh hưởng đến năng suất của nhóm.

Mối quan hệ giữa tính liên kết và năng suất nhóm

Mối quan hệ giữa tính liên kết và năng suất nhóm phụ thuộc vào các chuẩn mực mà nhóm đã đưa ra. Tính liên kết của nhóm càng cao thì các thành viên càng tuân theo các mục tiêu của nhóm. 

Nếu như các mục tiêu có liên quan đến kết quả thực hiện công việc (số lượng, chất lượng, thời hạn...) mà nhóm đặt ra ở mức cao thì một nhóm liên kết sẽ có năng suất hơn một nhóm không liên kết. 

Nếu như tính liên kết cao và các mục tiêu về kết quả công việc thấp thì năng suất sẽ thấp. Nếu như tính liên kết thấp và các mục tiêu về kết quả công việc cao thì năng suất sẽ gia tăng, nhưng gia tăng không mạnh mẽ bằng trong tình huống nhóm có mức độ liên kết cao - mục tiêu về kết quả công việc cao. 

Khi mà cả tính liên kết và các mục tiêu liên quan đến kết quả công việc đều thấp, năng suất lao động sẽ thay đổi không đáng kể.

Yếu tố ảnh hưởng

Các yếu tố ảnh hưởng tới tính liên kết giữa các cá nhân trong nhóm:

- Các yếu tố thuộc về tổ chức: phong cách lãnh đạo, sự thành công.

- Các yếu tố thuộc về môi trường làm việc: bản chất công việc, cách bố trí nơi làm việc, thông tin giao tiếp trong nội bộ tổ chức, các công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ cho quá trình giao tiếp.

- Các yếu tố thuộc về thành viên của nhóm: số lượng thành viên trong nhóm, sự khác biệt giữa các thành viên trong nhóm.

Biện pháp tăng tính liên kết

Để tăng tính liên kết nhóm các nhà quản lý có thể sử dụng các biện pháp sau đây:

- Giảm qui mô nhóm;

- Khuyến khích các thành viên đồng tình ủng hộ các mục tiêu nhóm;

- Tăng lượng thời gian mà các thành viên nhóm ở bên nhau (trong công việc cũng như trong cuộc sống);

- Tăng địa vị của nhóm và tầm quan trọng được là thành viên trong nhóm; 

- Thúc đẩy cạnh tranh với các nhóm khác;

- Trao phần thưởng cho nhóm chứ không phải cho các thành viên...

(Tài liệu tham khảo: Cơ sở của hành vi nhóm, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi