|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là tổ chức gì?

12:13 | 03/06/2020
Chia sẻ
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là tổ chức gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Nibusinessinfo)

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Khái niệm

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trong tiếng Anh tạm dịch là: High-tech agricultural enterprise.

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay còn gọi là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những nông sản có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao.

Điều kiện

Doanh nghiệp NNCNC trước hết phải thỏa mãn các điều kiện của doanh nghiệp công nghệ cao, đó là:

Sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu;

Doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên;

Số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động;

Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lí chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Đồng thời, doanh nghiệp NNCNC còn phải đáp ứng các điều kiện: Ứng dụng các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp; Tạo ra nông sản có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao.

Ưu và nhược điểm

Mỗi doanh nghiệp NNCNC có một lĩnh vực hoạt động riêng với những công nghệ và kĩ thuật riêng phù hợp với đối tượng sản xuất nhưng nhìn chung doanh nghiệp NNCNC có những ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm: Mô hình khoa học công nghệ ứng dụng và qui mô sản xuất phù hợp với khả năng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp; Hoạt động độc lập và tự chủ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh hướng sản xuất một cách linh hoạt phù hợp với yêu cầu thị trường và vốn doanh nghiệp.

Nhược điểm: Chủ yếu tập trung vào các khâu sản xuất; chi phí đầu tư cho một đơn vị diện tích sản xuất cao, khó tạo ra một lượng sản phẩm lớn; Khả năng lan tỏa và chuyển giao công nghệ khó.

(Tài liệu tham khảo: Kinh nghiệm quản lí, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số nước và giá trị tham khảo, ThS. Nguyễn Thu Phương, Tạp chí Công thương, 2018)

Tuyết Nhi