|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế hoạch bảo hiểm (Insurance plan) cho doanh nghiệp là gì?

16:32 | 20/05/2020
Chia sẻ
Kế hoạch bảo hiểm (tiếng Anh: Insurance plan) là một chương trình bảo hiểm toàn diện cho doanh nghiệp liên quan đến việc xác định các loại hình bảo hiểm cần tham gia, tiến hành thu xếp hợp đồng bảo hiểm...
Kế hoạch bảo hiểm (Insurance plan) cho doanh nghiệp là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: fenderbender)

Kế hoạch bảo hiểm

Khái niệm

Kế hoạch bảo hiểm tạm dịch sang tiếng Anh là Insurance plan.

Kế hoạch bảo hiểm là một chương trình bảo hiểm toàn diện cho doanh nghiệp liên quan đến việc xác định các loại hình bảo hiểm cần tham gia, tiến hành thu xếp hợp đồng bảo hiểm, quản các hợp đồng bảo hiểm và các loại hình bảo hiểm thuộc bảo hiểm xã hội

Kế hoạch bảo hiểm thường được lập hàng năm, được theo dõi và rà soát thường xuyên liên tục nhằm đem lại sự bảo vệ hợp nhất cho doanh nghiệp và người lao động.

Lập kế hoạch bảo hiểm

Việc lập kế hoạch bảo hiểm cần xác định rõ các cơ sở lập kế hoạch, các rủi ro và tổn thất mà doanh nghiệp có thể phải đương đầu, phương thức thu xếp/tham gia bảo hiểm, lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm (đối với bảo hiểm thương mại), thu xếp bảo hiểm. 

Về cơ bản, lập kế hoạch bảo hiểm có thể phân thành hai bước cơ bản: lựa chọn sản phẩm bảo hiểm và thu xếp bảo hiểm (thu xếp bảo hiểm bao gồm cả lựa chọn phương thức thu xếp bảo hiểm, lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và thu xếp đàm phán lí kết hợp đồng bảo hiểm).

Các cơ sở lập kế hoạch bảo hiểm

Các cơ sở lập kế hoạch bảo hiểm bao gồm:

- Các qui định của cơ quan Nhà nước: Trên thực tế một số loại hình bảo hiểm là bắt buộc theo qui định của pháp luật. Những loại hình bảo hiểm này thường là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm cháy nổ... 

Việc bắt buộc doanh nghiệp tham gia những hình thức bảo hiểm này trước tiên đảm bảo sự ổn định và an toàn về an sinh xã hội, thứ đó bảo vệ quyền lợi về tài chính cho những bên có quyền lợi liên quan.

Ví dụ như người lao động, những người thứ ba trong rủi ro, những người có quyền lợi liên quan đến doanh nghiệp.

- Chiến lược và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp: Chiến lược và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự qui mô, thậm chí là hiệu quả của chương trình bảo hiểm. 

Hầu hết doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hơi sẽ chú trọng đến vấn đề bảo hiểm, còn các doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu có thể sẽ cắt giảm ngân sách cho bảo hiểm.

- Năng lực tài chính và ngân sách dành cho bảo hiểm: "Nhu cầu là vô hạn, năng lực là giới hạn", nhu cầu bảo vệ luôn cao, sự lo sợ trước các nguy cơ rủi ro luôn hiện hữu, tuy nhiên liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính để mua tất cả các loại hình bảo hiểm mà họ mong muốn? 

Trên thực tế các doanh nghiệp kể cả có nguồn lực tài chính dồi dào đến đâu cũng chỉ dành một phần rất hạn chế ngân sách cho bảo hiểm.

- Ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp: Ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh là những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ rủi ro của doanh nghiệp. 

Ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu bao gồm kinh doanh kho chứa, vận chuyển, phân phối sẽ phải đương đầu với nguy cơ cháy nổ tại tất cả các khâu của quá trình kinh doanh.

(Tài liệu tham khảo: Chương trình bảo hiểm trong doanh nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi