|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hệ thống bảo đảm có sự tham gia (Participatory Guarantee System - PGS) là gì?

10:07 | 02/06/2020
Chia sẻ
Hệ thống bảo đảm có sự tham gia (tiếng Anh: Participatory Guarantee System - PGS) là một hệ thống chứng nhận chéo giữa những người sản xuất, được xây dựng trên lòng tin, trao đổi kiến thức.
Hệ thống bảo đảm có sự tham gia (Participatory Guarantee System - PGS) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: researchgate)

Hệ thống bảo đảm có sự tham gia

Khái niệm

Hệ thống bảo đảm có sự tham gia trong tiếng Anh được gọi là Participatory Guarantee System - PGS.

Hệ thống bảo đảm có sự tham gia là một đặc điểm riêng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Hệ thống bảo đảm có sự tham gia là các hệ thống bảo đảm chất lượng phù hợp với từng địa phương. Hệ thống này chứng nhận người sản xuất trên cơ sở tham gia đánh giá tập thể của các chủ thể liên quan. Nó được đặt trên nền tảng lòng tin, mạng lưới tác nhân và việc trao đổi kiến thức. (Theo Liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ thế giới)

Hệ thống bảo đảm có sự tham gia là một hệ thống kiểm định trong đó người nông dân, người tiêu dùng, các tổ chức và các thành viên có quan tâm trong cộng đồng trực tiếp tham gia vào việc kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm. (Theo định nghĩa của Hiệp hội hữu cơ, rau Hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn Hà Nội, Đào Thế Anh và cộng sự, 2015). 

Nói cách khác, hệ thống bảo đảm có sự tham gia có thể được hiểu là một hệ thống chứng nhận chéo giữa những người sản xuất, được xây dựng trên lòng tin, trao đổi kiến thức, đồng thời được mở rộng để cho phép các chủ thể liên quan như người tiêu dùng và các tổ chức khác cùng tham gia đánh giá.

Sự tin cậy của PGS phụ thuộc vào sự khách quan và kiến thức của cộng đồng PGS, đồng thời cũng phụ thuộc vào qui mô của cộng đồng này. Cộng đồng càng lớn thì khả năng PGS được đánh giá khách quan càng cao. 

Theo nhận định của Đào Thế Anh và cộng sự (2015), PGS có ưu điểm lớn là tiết kiệm chi phí chứng nhận, đồng thời giúp chia sẻ hiểu biết về sản phẩm giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

PGS ở Việt Nam

PGS đầu tiên được ADDA, một tổ chức phi chính phủ Đan Mạch triển khai tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội vào năm 2008 theo mô hình của IFOAM dùng cho nông nghiệp hữu cơ. 

Năm 2010, Rikolto (trước kia là VECO) bắt đầu sử dụng cơ chế giám sát PGS với tiêu chuẩn an toàn. 

Năm 2017, đã có 10 liên nhóm với 5 điểm PGS được thành lập ở 6 tỉnh thành: Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Nam và Bến Tre. Các mô hinh PGS ở Việt Nam hiện đang được các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (Hành động vì đô thị), phi chính phủ quốc tế (Seed to Table, Ri- kolto, ADDA) và tổ chức quốc tế (ADB) hỗ trợ.

Ở Việt Nam, PGS được triển khai với một trong các bộ tiêu chuẩn:

1) Tiêu chuẩn Hữu cơ PGS được IFOAM chính thức công nhận vào năm 2013;

2) GAP cơ bản, được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ban hành ngày 2/7/2014 (Quyết định 2998/QĐ-BNN-NT, 2014).

(Tài liệu tham khảo: 10 năm thực hiện Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng ở Việt Nam – nghiên cứu kinh nghiệm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Rikolto. An toàn thực phẩm nông sản, Một số hiểu biết về sản phẩm, hệ thống sản xuất phân phối và chính sách Nhà nước, Phạm Hải Vũ, Đào Thế Anh, NXB Nông nghiệp, 2016)

Diệu Nhi