|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tích tín dụng (Credit Analysis) là gì? Mục đích

08:55 | 23/08/2019
Chia sẻ
Phân tích tín dụng (tiếng Anh: Credit Analysis) là quá trình đánh giá nhằm đảm bảo sự hiểu biết thông suốt về người vay, mục đích và cơ cấu khoản vay cũng như nguồn thanh toán khoản cho vay.

How-fm-helps-credit-analysis-1

Hình minh họa (Nguồn: IMS Proschool)

Phân tích tín dụng (Credit Analysis)

Khái niệm

Phân tích tín dụng trong tiếng Anh gọi là Credit Analysis.

Theo quan điểm của BIS (Ngân hàng thanh toán quốc tế) thì phân tích tín dụng là quá trình đánh giá nhằm đảm bảo sự hiểu biết thông suốt về người vay, mục đích và cơ cấu khoản vay cũng như nguồn thanh toán khoản cho vay.

Hoạt động xem xét, đánh giá mọi mặt về khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay hay không cho vay với các điều khoản cụ thể về mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay... 

Phân tích tín dụng đối với khách hàng thường bao gồm hai phần cơ bản: 

- Đánh giá khách hàng vay vốn trong tương quan với ngành kinh doanh của họ. Mục đích là tìm hiểu vị trí hiện tại của doanh nghiệp trên thị trường, áp lực cạnh tranh trong ngành, những rủi ro có thể xảy ra,...

- Phân tích dòng tiền (phục vụ cho quá trình thu hồi vốn vay sau này). Mục tiêu của việc phân tích dòng tiền là tìm kiếm và đánh giá các nguồn thu của doanh nghiệp dựa trên cơ sở những thông tin tài chính và nguyên tắc kế toán. Việc phân tích này nhằm đảm bảo khả năng hoàn trả của khách hàng trong tương lai.

Mục đích phân tích tín dụng

Thứ nhất, công tác phân tích tín dụng hạn chế tình trạng thông tin không cân xứng. Thông tin không chính xác, sai lệch sẽ khiến ngân hàng đánh giá sai về khách hàng và dẫn tới đưa ra quyết định sai lầm như lựa chọn khách hàng có tiềm ẩn rủi ro cao hoặc từ chối khách hàng có tiềm năng, an toàn. 

Tuy nhiên nếu ngân hàng làm tốt công tác phân tích tín dụng trước khi cấp vốn cho vay thông qua việc phân tích đầy đủ về khách hàng thì ngân hàng sẽ lựa chọn khách hàng chính xác và giảm rủi ro tín dụng.

Thứ hai, phân tích tín dụng đánh giá chính xác mức độ rủi ro của khách hàng. Phân tích đánh giá khách hàng thông qua việc phân tích, đánh giá báo cáo tài chính, ngành nghề kinh doanh, uy tín khách hàng, phương án vay vốn giúp ngân hàng hiểu khách hàng hơn.

Đánh giá được những thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh điểm yếu của khách hàng từ đó sẽ đánh giá, lường trước được mức độ rủi ro của từng khoản vay. Trên cơ sở đó ngân hàng sẽ định giá được khoản tín dụng, xác định lãi suất cho vay, trích lập dự phòng rủi ro và giám sát tín dụng sau này. 

Thứ ba, phân tích tín dụng nhằm đánh giá chính xác nhu cầu vay vốn khách hàng. Cũng qua phân tích cán bộ tín dụng sẽ biết được nhu cầu vay vốn, mục đích vay vốn... của khách hàng. Đây là cơ sở để ngân hàng thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp như qui mô khoản vay, phương thức hoàn trả, kì hạn hoàn trả.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình tín dụng Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao động- Xã hội)

Thanh Hoa