Petrodollars là gì? Tương lai của hệ thống petrodollar
Hình minh họa. Nguồn: vectorstock.com
Petrodollars
Khái niệm
Petrodollars là đồng đôla Mỹ mà các nước mua dầu mỏ dùng để trả cho các nước xuất khẩu dầu. Hệ thống petrodollar là sự trao đổi dầu lấy đôla Mỹ giữa những nước mua dầu và những nước sản xuất dầu.
Petrodollars là kết quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào giữa những năm 1970 khi giá dầu tăng vọt lên mức kỉ lục. Petrodollars giúp cho giá dầu niêm yết bằng đồng USD giữ được sự ổn định.
Mặc dù ban đầu thuật ngữ petrodollars được sử dụng để chỉ số tiền mà các nước Trung Đông và thành viên của OPEC nhận được khi bán dầu mỏ, định nghĩa này đã được mở rộng để bao gồm các quốc gia khác trong những năm gần đây.
Petrodollars là nguồn thu từ dầu bằng đôla Mỹ. Chúng là nguồn doanh thu chính cho nhiều nước xuất khẩu dầu là thành viên của OPEC, cũng như những nhà xuất khẩu dầu khác ở Trung Đông, Na Uy và Nga.
Bởi vì petrodollars về bản chất là đồng đôla Mỹ, sức mua thực sự của chúng phụ thuộc vào cả tỉ lệ lạm phát cơ bản của Mỹ và giá trị của đồng đôla Mỹ. Điều này có nghĩa là petrodollars sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế giống như đồng đôla Mỹ. Vì vậy, nếu giá trị của đồng đô la giảm, giá trị của petrodollars cũng vậy, và doanh thu từ dầu mỏ của các nước xuất khẩu dầu cũng giảm.
Nguồn gốc của petrodollars
Hệ thống petrodollar có nguồn gốc từ Thỏa thuận Bretton Woods. Nhưng đến năm 1971, vì tình trạng lạm phát quá lớn, Tổng thống Nixon tuyên bố rằng đồng đôla Mỹ sẽ không còn được dùng để đổi lấy vàng.
Điều đó dẫn đến sự ra đời của hệ thống petrodollar, khi Mỹ và Saudi Arab đồng ý thiết lập giá dầu bằng đô la Mỹ. Điều đó có nghĩa là bất kì quốc gia nào muốn mua dầu từ chính phủ Saudi Arabia sẽ phải đổi tiền nước mình thành đôla Mỹ để có thể thanh toán cho dầu mỏ. Sau này các nước OPEC còn lại cũng làm theo và yết giá dầu của họ bằng đồng tiền của Mỹ.
Tái chế petrodollars
Do về bản chất petrodollars chính là đôla Mỹ, nên các nước xuất khẩu dầu mỏ có dự trữ tiền tệ bằng đồng đôla Mỹ lớn.
Những khoản tiền thặng dư này cần được tái chế, có nghĩa là chúng có thể được chuyển vào tiêu dùng và đầu tư trong nước, cho các nước khác vay hoặc được đầu tư vào Mỹ thông qua việc mua trái phiếu và tín phiếu Mỹ - quá trình này gọi là tái chế petrodollars.
Quá trình này giúp tăng thêm thanh khoản cho thị trường tài chính Mỹ; còn các nước xuất khẩu giảm bớt sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu.
Tương lai của hệ thống petrodollar
Với sự suy giảm sức mua của đồng đôla Mỹ, một số quốc gia bắt đầu tranh luận về lợi ích của hệ thống petrodollar. Các quốc gia như Iran, Nga và Ấn Độ đã xem xét việc chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền của chính nước đó khi xuất khẩu hàng hóa thay vì đồng đôla Mỹ.
Vào cuối năm 2017, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này đã cân nhắc việc niêm yết giá dầu bằng đồng nhân dân tệ. Vì là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc coi đây là một sự thay đổi hợp lí để niêm yết giá dầu mỏ.
(Theo investopedia)