Thoả thuận Bretton Woods (Bretton Woods Agreement) và Hệ thống Bretton Woods
Hình minh họa. Nguồn: forex102.com
Thoả thuận Bretton Woods
Khái niệm
Thoả thuận Bretton Woods trong tiếng Anh là Bretton Woods Agreement.
Thỏa thuận Bretton Woods được thiết lập trong một hội nghị năm 1944 của tất cả các quốc gia Đồng minh trong Thế chiến II. Hội nghị diễn ra tại Bretton Woods, New Hampshire.
Theo thỏa thuận, các quốc gia cam kết rằng ngân hàng trung ương của họ sẽ duy trì tỉ giá hối đoái cố định với đồng đôla.
Nếu giá trị tiền tệ của một quốc gia trở nên quá yếu so với đồng đôla, ngân hàng trung ương sẽ mua nội tệ của mình trên thị trường ngoại hối. Điều đó sẽ làm giảm nguồn cung của tiền và tăng giá nội tệ. Nếu nội tệ của nước đó lên giá quá cao, ngân hàng sẽ in thêm tiền, làm tăng cung tiền và dẫn đến giảm giá.
Các quốc gia thành viên của hệ thống Bretton Woods cam kết tránh các cuộc chiến thương mại. Họ sẽ không phá giá đồng tiền của mình để thúc đẩy thương mại. Nhưng họ có thể điều tiết tiền tệ trong những điều kiện nhất định, ví dụ trong trường hợp đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu gây bất ổn cho nền kinh tế của họ. Các quốc gia cũng có thể điều chỉnh giá trị nội tệ để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.
Sự cần thiết của hệ thống Bretton Woods
Cho đến Thế chiến I, hầu hết các quốc gia đều theo chế độ bản vị vàng, nhưng họ đã phá vỡ các qui tắc để có thể in số tiền cần thiết để chi trả cho chiến tranh. Điều này dẫn tới siêu lạm phát, vì cung tiền quá lớn so với cầu tiền. Giá trị của tiền giảm mạnh đến nỗi, tại một số nơi, một xe cút kít chở đầy tiền chỉ có thể đổi được một ổ bánh mì. Sau chiến tranh, các quốc gia quay trở lại sử dụng chế độ bản vị vàng an toàn.
Mọi chuyện đều tốt đẹp cho đến cuộc Đại suy thoái. Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, các nhà đầu tư chuyển sang giao dịch ngoại hối và hàng hóa. Điều này đã khiến cho giá vàng bị đẩy lên cao, khiến mọi người đua nhau đổi đôla để mua vàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn bằng cách bảo vệ dự trữ vàng quốc gia bằng cách tăng lãi suất. Kết cục là các quốc gia bắt đầu mong muốn từ bỏ chế độ bản vị vàng.
Hệ thống Bretton Woods mang lại cho các quốc gia sự linh hoạt hơn so với chế độ bản vị vàng cứng nhắc. Đồng thời nó cũng tạo ra ít biến động hơn một hệ thống tiền tệ không có tiêu chuẩn nào. Quốc gia thành viên vẫn có khả năng thay đổi giá trị tiền tệ của mình nếu cần để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng của tài khoản vãng lai.
Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods
Năm 1971, kinh tế Mỹ hứng chịu tình trạng đình trệ sâu sắc do sự kết hợp nguy hiểm giữa lạm phát và suy thoái. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của việc đồng đôla trở thành đồng tiền quốc tế. Để đối phó, tổng thống Nixon bắt đầu giảm giá trị đồng đôla so với vàng.
Nhưng kế hoạch lại phản tác dụng. Mọi người vội vã dùng đồng đôla đang mất giá để đổi lấy vàng. Vào năm 1973, Nixon đã hoàn toàn từ bỏ việc neo giá trị của đồng đôla vào vàng. Khi sự kiểm soát giá biến mất, vàng nhanh chóng tăng giá lên đến 120 USD mỗi ounce trên thị trường tự do. Hệ thống Bretton Woods kết thúc.
(Theo: The Balance.com)